Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

VƯỜN CÂY CỦA ÔNG NGOẠI ( Trích đoạn trong tập truyện đang viết dở ^ ^)

Thân tặng bạn bè, những ai có 1 tuổi thơ như tui. 

Chiều nay ngồi làm việc, đọc bàibáo thấy công dụng của trái me, nói chuyện qua lại cùng đồng nghiệp, cảm hứng kể chuyện các món ăn về me. Rồi chuyển đề tài qua trái cây thật lẹ! Bất giác,tôi nhớ ông ngoại và vườn cây của ông quá đỗi. Ngày ấy, ông ngoại có căn nhà ở ngoại thành thành phố, nay thuộc quận 7. Mảnh vườn nhà cũng được khá, do đó ông trồng các loại cây ăn trái và rau.
Không thể không nhắc đến cây me trước nhà, cây vú sữa sau ngõ. Ngày còn nhỏ, thường ở bên ông bà ngoại, do đó mà mê mẩn cây trái và ham thích vun trồng. Trước nhà là cây me thân rất to,phải hai người ôm mới hết. Me ra lá xanh um những ngày hè. Trẻ con trong xóm bị nổi rạ, ba mẹ chúng thường qua nhà ông ngoại, xin hái ít lá me xanh về đun nước cho bọn chúng tắm. Me có nhiều công dụng lắm! Lá me non mà hái cho đầy một rổ,mang về rửa sạch, nấu canh chua với cá lóc thì ngon khỏi biết. Hương thơm của lá me ngào ngạt làm át mùi tanh của cá, vị chua mà không ế của me làm tăng gia vị cho nồi canh chua. Thân cây me rất chắc, nhà nào mà có cái thớt gỗ me xài thì làm bếp ngon khỏi chê. Mùa hè cũng là mùa thu hoạch me. Thông thường khoảng sau tết  là me ra bông, đến tháng 8 là thu hoạch. Bọn tôi ăn từ lúc me ra bông cho tới lúc chin trái và hết mùa. Này nhé, trái me khi còn non, chưa ra hạt. Hái xuống rửa sạch, cạo vỏ sơ sơ rồi chẻ làm đôi. Nước mắm pha đường, đâm chút ớt vào, me chẻ đôi mà quết thì cứ xuýt xoa vì hấp dẫn. Me to có hạt thì hái vào rửa sạch, chụng sơ nước sôi để bóc bỏvỏ. Nước đun sôi để nguội, cho muối và đường vào hoà tan, bỏ me vào ngâm, thế là có món me ngâm. Ngày nào dì tôi cũng mang ra trước nhà bán cho bọn học sinh ở trường cạnh nhà. Đến độ me chín thì hái đầy cả thúng. Bà ngoại thường mang ra chợ bán. Thu hoạch me cũng rất vui. Trẻ con tha hồ nhặt nhạnh, phân loại trái nguyên trái bể ra riêng, trái nguyên thì bán giá cao hơn. Bà ngoại lúc nào cũngđể lại một rổ lớn để ăn dần. Bà ngoại làm khéo lắm nha. Me bỏ vỏ, tách bỏ hạt rồi, trộn sơ với muối rồi cho vào keo đậy kín. Ngoại bảo rằng làm như vậy thì giữ được lâu, mà lại không bị sâu trong hạt làm hư. Me lăn đường cũng là món khoái khẩu của các chị các bà. Vậy đó, nhà bà ngoại luôn có me ăn quanh cả năm.Bán không hết, làm me lăn đường mang cho bà con hàng xóm. Tôi còn nhớ thời đó,cứ mỗi lần đến mùa me chín, đâm ra me thành món đặc sản của cả gia đình. Mang đi cho bà con hàng xóm mỗi người một ít ăn lấy thảo, tình làng nghĩa xóm càng thêm đậm đà. Trong vườn nhà phải kể đến là hai cây vú sữa. Tới mùa vú sữa chín,thích nhất leo lên cây, tay với hái trái chín bóng nhẫy, mùi vị thơm ngon và mỏng vỏ, ăn nhoàm ngay ở trên cây mới thú vị. Vườn nhà ông ngoại tới mùa nào làăn cả mùa trái đó. Chưa kể hai cây mận thân to cỡ hai ba người ôm. Một cây mận xanh và một cây mận đỏ. Loại nào cũng chắc ruột, ít hạt. Cam giấy thì cây mảnh khảnh, vậy mà tới mùa thì trái lủng lẳng trĩu cành. Yêu thích nhất là câylê-ki-ma hay còn gọi là trái hột gà. Thân cây trắng, lá bang bạc những chiều hè mưa. Tới mùa thì trái chín vàng ươm cả một góc vườn. Lũ trẻ nhỏ tan trường, cứ hay nán lại tìm cách hái trái. Ngoài ra, vườn nhà ông ngoại còn có cây chùm ruột, cây mãng cầu, cây xoài, cây nhãn, cây mít, mía đường, khoai lang, khoai mì…. Ôi, vườn cây của ông ngoại có đủ cả. Phải kể đến vườn rau nữa chứ. Rau sam, rau lang, rau muống, còn có cả một vườn lá lốt xanh tươi. Lá lốt thuộc họ hồ tiêu, có vị thuốc. Loại lá mà ăn món bò nướng lá lốt trở thành đặc sản không thể thiếu trong thực đơn các món nướng. Mùi lá chín trên bếp nướng thơm lựng, cái thứ mùi vị chẳng lẫn vào đâu được. Tôi thích nhất ra vườn phụ ông ngoại tưới cây. Ông chăm chỉ và nâng niu từng cây một. Những hạt sầu riêng ông gieo vừa ươm mầm. Ông tưới tắm, nâng niu phủ lá như thể che mưa cho chúng. Ngày ấy tôi bé lắm, chỉ lẽo đẽo theo sau lưng, nghe ông chuyện tròvề cây này cây nọ. Dường như có lúc tôi nghe thấy tiếng ông chuyện trò cùng lũ ớt đang chín đỏ cả cây. Người ta bảo rằng muốn cây trồng mau lớn, người trồngphải dốc cái tâm vào đấy, phải xem chúng như bạn, có tình yêu thì cây lớn mau.Những lúc như vậy, tôi thấy ông ngoại thật là giống ông tiên trong truyện cổ tích. Tóc ông bạc trắng, nhẹ nhàng vặt từng chiếc lá sâu cho cây, trò chuyện gần như thổi một luồng hơi mang lại sự sống dồi dào cho cả khu vườn khiến cây nào cũng tranh nhau ra thật nhiều trái ngọt. Ngày bé, tôi cứ hay thắc mắc hỏi ông:
-        Ông ngoại ơi, vì sao cùng là cái đất ở vườn này, mà lênmỗi cây một trái khác nhau vậy?
-        Ông cười lớn rồi nói: Đó là thiên nhiên và đất mẹ ban tặng món quà vô giá cho con người và nuôi sống con người đó cháu ạ. Chúng ta phải biết gìn giữ và chăm bón.
Nhớ có lần mải chơi chạy nhảy,vấp ngã sóng soài, tôi khóc mếu máo vì thấy máu chảy ở đầu gối. Mẹ bế ra sau vườn, hái lá sống đời, bóp vụn rồi đắp lên. Thần kỳ thật, máu ngưng chảy ngay và chỗ ấy lại rất mau lành. Vườn ông ngoại đấy, có đủ các loại cây thuốc nam nữa.

Buổi trưa trốn ngủ ra vườn, cây cối bao quanh mát rượi, cần ăn chỉ với tay là hái được trái. Trong vườn có một mảnh sân nhỏ bằng xi – măng, tôi và Yến – đứa em họ khá gần gũi vì ở chung nhà thường hay vẽ ô quang, hai chị em oẳn tù xì chơi dưới gốc mận ấy. Hay nhảy lò cò, thi cất nhà. Rồi vẽ hình công chúa và hoàng tử bằng phấn trắng. Những ngàythơ êm đềm ấy! Góc vườn ông ngoại để một bộ bàn ghế đá, những hôm rằm trăng sáng, bọn nhỏ trong nhà kể cả hàng xóm, tụ tập quanh ông nghe kể biết bao là câu chuyện hay. Có lần thấy bọn tôi hái cỏ lau, cỏ đuôi gà chia phe đánh trận.Phe nào thắng được cả cái bánh trung thu lớn. Ông ngoại cười gọi lại, hỏi mấy đứa có biết chuyện về một ông vua cũng từng ham chơi đánh trận như vầy không.Đứa nào cũng đực mặt ra vì có biết đâu. Ông ngoại cười khà khà gọi cả bọn lại,ngồi nghe ông kể.
“ Chuyện rằng xưa kia ở vùng quê Ninh Bình, có đứa trẻ tên Đinh Bộ Lĩnh, con ông Nguyễn Công Trứ. Do cha mất sớm, Lĩnh theo mẹ về quê ở. Thường đi chơi cùng trẻ chăn trâu chăn bò, Lĩnh thường rủ chúng hái cờ lau chia phe tập trận. Lũ trẻ thường tôn làm vua. Giả làm kiệu kông kênh tung hô. Và rồi đứa trẻ ấy lớn lên dấy cờ khởi nghĩa, thắng trận và làm vua. Lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng”.
Câu chuyện hay, không khí dễ chịu, mùi bánh trung thu thơm lừng, những chum trà râu bắp mát rượi…Cái khôngkhí của đêm trung thu ấy cứ đeo bám mãi trong tâm trí của mỗi đứa chúng tôi,đến độ tối ấy nằm mơ. Tôi thấy mình cưỡi con dê trắng có cái chuông bằng vàng (thay vì cưỡi con ngựa trắng), tay cầm cờ lau xông pha ra trận, đánh cho bọngiặt chạy tan hoang, quần áo rách bươm. Tới lúc tung hô làm vua thì thấy thằngHùng mập nhà hàng xóm đội cái mão làm bằng lá mít bảo với cả bọn rằng:
-        Ê không được, nó là con gái làm sao là vua!
-        Con gái, tao làm hoàng hậu, giống bà Elizabeth của nướcAnh! – Tôi cãi lại
-        Vậy thì mày cần phải có cái vương miện gắn nhiều kimcương giống bà ta – Thằng Hiển đội cái mão bằng mấy nhánh bông cứt lợn ( têncủa loại bông này là “ hoa ngũ sắc”, nhưng bọn tôi khoái gọi tên dân gian của nó như vậy) lên tiếng.
-        Ờ, để tao về lấy cái vươn miệng có gắn kim cương – Nói đoạn, tôi chạy vào nhà, lấy cái vòng đeo tay lấp lánh của mẹ bằng những hạtnhựa đủ màu ra đội lên đầu.
Thấy đẹp, chúng nó nhào vô dành lấy cái vương miện của tôi, thế là tôi ngã nhào xuống đất. Cả bọn xúm vào tranh nhau thế nào, tới lúc mỗi đứa lật gọng ra một nơi thì hỡi ơi, cái vòng đeo tay của mẹ tôi đứt lìa, các hạt nhựa màu lăn long lóc trên sân. Tôi mếu máo. Bọn nó sợ quá gom hạt nhựa trả lại cho tôi. Mang về thì bị cho một trận đòn tét mông.Tới đoạn ấy thì giật mình tỉnh giấc. Mồ hôi đổ đầy mình, cứ tưởng bị ăn một trận đòn no nê rồi. Tôi leo xuống giường, nhẹ nhàng nhón chân đi ra vườn. Chập choạng trời gần sáng, không gian ban sớm thật dễ chịu. Lũ chim sâu ríu rít trêncành cây cao đang tranh nhau bắt từng con sâu mập ú. Dì tôi hay bảo rằng chim bắt sâu cũng tốt. Nhưng ăn hết sâu rồi thì còn đâu hoá ra những con bướm xinhđẹp nữa. Ai cha, nhắc tới bướm thì mình sẽ lại có chuyện bày trò nữa rồi đây.
Tuổi thơ hái hoa bắt bướm….cạnh cầu ao, mẹ bắt được chưa đánh roi nào…đã khóc ( Phạm Trọng Cầu). Ngày hôm ấy lại bày trò. Mấy đứa thằng Hùng, thằng Hiển, con Hương rủ nhau làm lưới đi bắt bướm. Lấy cây tre nhỏ, đoạn dài hơn đầu chúng tôi, lấy vải mùng làm cái lọng.Thế là có vợt đi bắt bướm và lên đường! Ra khu đồng cỏ gần nhà ( giờ đã thành cái chợ cư xá ) buổi chiều thì không chỉ bắt được bướm đẹp mà còn bắt được chuồn chuồn voi nữa. Gọi là chuồnchuồn voi vì con nào con nấy rõ to, thân xanh cực kỳ đẹp. Mẹ tôi bảo rằng chuồn chuồn vốn là con vật kỳ lạ. Ấu trùng của nó ở dưới nước, sống 3 năm rồi mới lên bờ mọc cánh thành chuồn chuồn. Vì câu chuyện ấy mà bọn con nít chúng tôi khi bắt chuồn chuồn, chơi đùa đôi chút rồi thả chúng ra. Vì câu chuyện phải ba năm mới trở thành chuồn chuồn ấy. Đôi cánh trong suốt và hình dáng quen thuộc củanó đã đi vào ca dao từ thưở nào
“ chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng bay vừa thì râm”
Cũng chẳng biết tự khi nào người ra đồng nhìn cánh chuồn chuồn mà đoán được thời tiết như thế. Vườn cây của ông ngoại cũng là nơi trú ngụ của chuồn chuồn kim. Cũng là chuồn chuồn nhưng chúng bé xíu, mảnh dẻ và mỏng manh. Chúng thường núp bên dưới những nách lá cây ổi,cây cóc… Cứ có gió lớn thổi qua, một vùng hoa chuồn chuồn kim bị thốc lên khôngtrung. Tôi thấy vậy mà chạy theo gọi “ Chuồn chuồn ơi, chuồn chuồn ơi…” rồi vấp té, rồi khóc… Có lúc trong những giấc mơ thời thơ ấu ấy, cánh chuồn chuồn mỏng mảnh lại đưa tôi đi xa, qua nhiều miền đất lạ với những cánh đồng dài xa tít tắp, với tiếng sáo diều vi vu trên đồi cỏ mộng… Bọn tôi thường hay thi nhau xem đứa nào bắt được con bướm to nhất, con bướm đẹp nhất. Chuyện mùa hè, lũ trẻ con rủ nhau cầm vợt đi bắt bướm đã trở nên quen thuộc với người lớn trong xóm. Ông Hai Bửu thường hay chỉ cho chúng tôi cách ép bướm. Để ép được con bướm đẹp cũng phải mất nhiều công sức. Nhưng tôi thấy thật là tội cho những con bướm sặc sỡ xinh đẹp nên không tham gia. Bọn con trai thì rất ư là thích chí vì chúng nó làm cả bộ sưu tập.

Có khi trốn ngủ trưa để đi nhặ tnhạnh những trái cây rụng để chiều chơi bán nhà chòi. Vì sao gọi là nhà chòi.Có lẽ vì từ những cái chòi lá mà bà ngoại dựng ở vườn kế bên nhà để làm chái bếp nấu ăn. Tuổi thơ tôi gắn nhiều kỉ niệm lắm với chái bếp ấy. Chỉ đơn giản dựng lên từ những cộc tràm và lá dừa nước làm mái. Những chiều mưa tháng mười,ngồi dưới chòi lá mưa rơi lộp độp, nhìn lũ vịt tắm táp rỉa lông dưới mưa, là một trong những sở thích của con nhóc tôi. Chái bếp cũng là nơi ủ ấm những ngày mưa bão. Chái bếp là nơi những chiều, khói bếp bay tỏa thơm nồng mùi cơm chín, cứ đi quanh quẩn mà nghe mùi khói thơm thơm trong gió chiều là người qua đường biết đã đến giờ gia đình sum họp bên nhau. Chái bếp là nơi lưu giữ biết bao bí mật của tôi. Chái bếp là nơi cho đàn vịt ấp trứng và có biết bao em bé vịt đã nảy nở từ đó. Chái bếp cũng là nơi tôi hay phụ ngoại cời bếp nấu thuốc bắc trị cơn ho hen của ngoại.
 Có những trưa mưa rất to, bà ngoại cho mấy đứa nhóc ra tắm mưa. Tuổi thơ ai mà không có những trận tắm mưa đã đời. Bọn con nít hàng xóm cũng được ba mẹ nó cho đi tắm mưa. Cùng nhau đùa nghịch dưới mưa, rủ nhau đứng thành vòng tròn, rồi một đứa nắm một cành me, rũ nước xuống cả bọn. Cả bọn rủ nhau đi vòng xóm, ui thích lắm. Trời mà mưa to, thế nào cây xoài nhà ông Đệ cũng rụng những trái chín. Rủ nhau dầm mưa đi lượm xoài rụng. Thích ơi là thích, đứa nào cũng được vài trái. Chỉ sợ lũ ngỗng nhà ông mà thôi. Ngỗng nuôi cứ như chó giữ nhà ấy nhỉ. Biết kêu quang quác như chó sửa gâu gâu này, biết rượt ăn trôm nữa. Trong cái đầu bé tẹo của tôi cũng nghĩ đến ngày mình mua một con ngỗng trắng muốt cho riêng mình. Nhìn vẻ bước đi yểu điệu và lông trắng ngần của nó cứ y như nàng thiên nga xinh đẹp trong câu chuyện cổ tích mẹ hay kể. Sau trận mưa ấy, tôi sốt li bì. Mẹ phải thức đêm để đắp khăn lên trán cho tôi.
Chưa kể còn hái bạc hà của ông ngoại để làm bánh mì chơi nhà chòi. Hái lá dâm bụt làm tiền. Phân loại lá lớn lá nhỏ. Rồi mua bán những trái sơ ri xanh lét, hay chỉ là những trái cóc be bé nhặt được.