Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Lai Châu- Lào Cai P1

Từ Điện Biên, đi Mường Lay và nghỉ đêm ở Mường Lay.
Đi qua Sín Chải, gặp ngay sông Đà, bờ đê 2 bên công nhân đang hì hục cho kịp mùa mưa tháng 6 tới.
Thuỷ điện lớn nhất nhì sau Hoà Bình là sông Đà.


Mùa khô nước rút thấp, có thể thấy đá sỏi dưới lòng hồ

Vào mùa mưa thì nước dâng lên cao ngang mặt đường, tràn ngập cả đường đi và những cây cầu gỗ. Vì vậy cầu gỗ mục hết cả, xe không dám chạy người không dám đi. Người ta đang ngày đêm xây cầu treo.



Tới đây rồi thì mới thấm thía " Tây Tiến"
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống....là như thế nào. May là buổi sáng ăn nhẹ, chứ không tha hồ mà hò. Tháng 4 vào mùa đốt đồng, các cánh đồng và trên núi đều có vẻ xác xơ tiêu điều. Người ta đốt rạ, rồi trộn phân bò, đem rải lại đồng, chờ mưa xuống thấm vào đất, sau đó bắt đầu cày cấy cho một mùa vụ mới.


Những ngọn núi khác thì đang được xẻ làm đường. Cung đường cũ ngày mưa quá lầy lội, xe du lịch không thể đi qua. Để phát triển du lịch Tây Bắc, bắt buộc ta phải hy sinh làm đường.

Điều đáng lo ngại là, rừng còn thưa lắm!!!
Từ Lai Châu đi 51 cây số nữa là đến Phong Thổ - Lai Châu Mới. Nơi đây xây dựng khu trung tâm mới với chính sách di dời bà con dân tộc xuống ở. Nhưng hầu như chẳng ai chịu rời bỏ làng mạc, mặc du khu đô thị nhìn như khu phố Tây, mới toanh và sạch sẽ.

Cho nên đi qua thành phố khá lặng lẽ và vắng vẻ. Không khí càng lạnh dần do càng lên cao.

Phố núi chập chùng mây
Tay lạnh bàn tay,tìm túi áo

Đi qua các làng bản, những phiên chợ như thế này rất hiếm khi gặp. Có lẽ là người kinh họ lập nên.


Mua hoa chuối

Hầm Đờ Cát



Cách vài km từ đồi A1 là hầm Đờ Cát, nơi tướng Pháp bị bắt.
Bao nhiêu năm rồi, giờ khu này chỉ còn lại 1 khúc - như cái chuồng heo vậy!!!



Sông Nậm Rốn trong thơ văn ngày xưa, nay cũng chỉ còn bé xíu như cái Rốn, người ta xây cầu, xây đường, xây nhà xung quanh khu này hết cả rồi. Chẳng còn " rừng núi chập chùng" nữa.

Trên đồi A1


Tôi lại chiều lòng mình để thực hiện cho được chuyến đi Tây Bắc. Tháng 4/2010, khi cơn gió lạnh đầu xuân đã nguội dần.
Transit chuyến bay ở Nội Bài, bay thẳng ra Điện Biên bằng Mekong Air, máy bay nhỏ, cánh quạt to, kêu thủng lổ nhĩ. Vừa run vừa cầu nguyện.

Đến nơi thì phở phào cái sượt. Điện Biên cũng lành lạnh, mặc đơn giản để thưởng thức cái lạnh miền cao.
Đồi A1 đón bước chân vào buổi trưa tĩnh lặng, chẳng có nắng, gió lùa lá khô xào xạc. Đột nhiên trong lòng dội lên bài " Mùa xuân lá khô" của Tuấn Vũ.
" Tôi trở lại vùng hành quân
Vùng xa xôi đá sỏi biết buồn..."
Nghe sến rện. Nhưng lại hợp cảnh và hợp tình.


Vùng đất này, nơi nhuộm máu quân dân, nay hoa đã nở trên đất khô cằn.
Buổi trưa mà Điện Biên mát lạnh, trời không mây nhưng không nắng. Bên kia đồi là Mường Lay ấp ủ lấy đồi A1. Những ruộng lúa bậc thang của dân tộc xanh mướt xanh.

Chiến tranh lùi xa trong kí ức của người Việt, nhưng đang nhen nhóm ở những quốc gia khác. Chiến tranh nổ ra: người già và trẻ nhỏ là đáng thương nhất.

Hội An mùa lũ


Hội An mùa nước lũ
Tháng 10 vừa qua 1 trận cuồng phong, nước ngập lên tận mái nhà, bà con chèo xuồng đi giữa phố cổ. Vậy mà sau đó 1 tuần ra Hội An, dường như mọi thứ trở lại cuộc sống ngày thường như không có gì xảy ra. Nước rút, người ta quét dọn trở lại cuộc sống thường ngày và tiếp tục đón khách.
Phố cổ bao phen " trầm mình" trong nước, vậy mà cột nhà vẫn còn nguyên vẹn. Mái ngói vẫn rêu phong những mảng quen. Sức sống của con người qua năm tháng, vật lộn với thiên tai thật mạnh mẽ.
Hội An vẫn lên đèn mỗi tối. Những chiếc đèn lồng là đặc sắc và là 1 nét văn hoá từ ngàn xưa.


CÁi gì xưa cũ thì người ta thường đi tìm. Hoài niệm.

Huế mưa vùi


Không mưa ở đâu như mưa Huế. Cái rỉ rả dai như đỉa cả ngày, trời u u chẳng chút mây xanh, người ta thấm thía mưa Huế. Mưa Huế có thể mưa cả ngày, con mèo lười có thể vùi mình trong xó bếp ngủ chẳng cần ăn. Người ta vẫn phải đến công sở, áo mưa trùm kín rồi chạy băng băng. Mưa Huế xì xụp lắc rắc, hạt mưa như mưa phùn,lúc nặng hạt lúc nhẹ tênh. Sông Hương lặng lẽ ngủ vùi những ngày mưa, buồn tẻ chẳng có khách nào thèm dạo sông, lại ngân nga khúc ca u hoài của chiều mưa buồn.
Tại sao người Huế mộng mơ, cũng phải do cảnh thơ thế mà.
Trời hôm sau có vẻ tạnh quang mây. Vòng quanh kinh thành cũ, tìm dư âm những ngày hưng thịnh xưa. Nghe như tiếng trống thùng thình mùa trẩy hội.
Chiều về nghe Thiên Mụ buông tơ lòng trong tiếng chuông buồn, bóng cây rũ bên bờ sông Hương.
Huế mưa và đẹp nên thơ lắm.

Update 2010


Hôm nay mò về nhà cũ, sao mà bụi bặm đóng đầy váng nhện. Quét dọn 1 hơi. Hoá ra mình bỏ hoang cả năm rồi.
Thôi nay về lại mái nhà xưa, update thông tin của năm 2010 vậy

Đến Huế vào tháng 10/2009
Mưa tầm mưa tã
Cả thành phố ướt nhẹp