Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Đi qua những cánh đồng gió

Những chặng đường trên hành trình đi tìm lại những di sản luôn luôn vất vả. Không phải lúc nào kế hoạch cũng như mình mong muốn. Về đất kinh thành những ngày mưa, mưa vật vã và lụt lội.
Tìm về cây cầu ngói cũ xưa, đường vào hai bên là liu xiu vài cây dương ngã đổ bởi mưa bão. Gió vẫn cứ thốc mạnh, xe phải chạy thật chậm để không bị lạc tay lái. Mùa lũ, nước dâng cao, người dân vùng này vẫn cứ phải lên nóc nhà tránh lũ.
Bờ sông sát mặt đường và nhà. Vì vậy lũ lên thì người dân chỉ có cách là lên thuyền hoặc lên nóc nhà mà đợi lũ rút. Hành trình thật vất vã. Những cánh đồng gió lặng thinh, chịu đựng trong mưa. Cây cầu ngói Thanh Toàn xứ Huế vẫn âm thầm đứng đó năm này qua năm khác. Cây cầu được xây năm 1776 và đã nhiều lần tu sửa. Ngày nay gỗ lim đã được thay bằng cọc bê tông vững chắc nhưng vẫn giữ lại gian trong cầu và mái ngói xưa. Mưa to quá, nên vào một quán nước, lại may mắn gặp ngay cô Kình, người làm thơ về cầu ngói Thanh Toàn đã xuất hiện trên nhiều mặt báo. ( Xem thêm về cô Kình: http://www.tin247.com/gap_%E2%80%9Cchuyen_gia%E2%80%9D_lam_tho_ve_cau_ngoi_thanh_toan-8-21976905.html) Mưa rất to bên ngoài, ngồi trong nhà cô Kình, nghe cô hò huế, một cảm xúc dạt dào khó tả. Cầu ngói Thanh Toàn u lạnh trong mưa. Bước xuống Thanh Toàn bóng xế chiều Hoang mang tiếng cuốc gọi cô liêu ( thơ của cô Kình).
Bên cầu là dòng sông Như Ý chảy qua. Mùa lũ nước sông dâng ngập mái nhà. Hoặc lên thuyền hoặc lên nóc nhà tránh lũ. Sao bao lâu rồi mà công tác đê điều vẫn cứ vậy, chẳng tới đâu. Sử sách ghi nhận trong hơn 50 năm từ 1802-1858, cả nước có 38 lần mưa bão gây lụt lội lớn, trong đó những lần vỡ đê vào các năm 1803, 1804, 1806, 1819, 1828, 1833, 1840, 1842, 1847, 1856, 1857 làm gần như toàn bộ Bắc Bộ bị lụt, mất mùa và đói kém. Miền Trung cũng chẳng khác gì. Từ các đời vua - quan cho tới nay, đê điều vẫn thật là tệ hại. Đi tới đâu cũng nghe dân tình than vãn. Khổ! Biết phải làm sao. Cật lực sống với lũ.
Sông Son vẫn xanh thẳm, vẫn còn son. Nhưng dân tình thì già hết cả vì cực khổ. Bờ sông năm nào cũng bị lũ làm sạt lở. Nước qua khỏi mái nhà. Nhà nào không có thuyền phải tạm bợ trên thuyền của nhà khác. Có khi 1 cái thuyền bé tẹo mà lưu trú đến ba gia đình.
Mưa dập vùi miền trung ngày lũ. Sáng hửng nắng đôi chút rồi mưa. Mưa từ sáng tới chiều. Mưa to rồi mưa nhỏ. Lất phất mưa và gió lạnh. Đi qua những quãng vắng. Mưa - gió thét gào vào lỗ nhĩ, nước quất vào mặt, gió luồn qua vai..lạnh cóng. Vậy mà lũ vịt vẫn vô tư trầm mình tìm tép tìm tôm. Đoạn đường ra Phá Tam Giang bị đứt lìa bởi lũ. Nước cao quá, không dám đi. Chợ chạy không phải đường mà chạy thẳng xuống sông. Bầu trời lúc nào cũng xám xịt 1 màu đen.
Làng cổ Bao Vinh, nơi hẹn 1 lần về thăm đã không còn cổ cho mấy. Ngày xưa 39 căn nhà cổ, ngày nay chỉ còn lác đác vài nhà. Xót xa trong dạ, hay cho cái sự " làm văn hóa" của thời ta.
Lối qua cồn Hến cũng bị bủa vây bởi lũ dâng. Đâu rồi Thôn Vỹ ngày xưa? Chỉ toàn 1 biển nước mênh mông. Đâu rồi lá trúc che mặt chữ điền? Chỉ còn lại sự nơm nớp lo sợ và tiếng hò nghe nặng lòng.

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Những đứa bạn đồng xanh

Những kỉ niệm in sâu trong tâm trí lâu dần rồi cũng đi vào quên lãng, đó là theo cách nghĩ của chúng ta. Nhưng kỉ niệm đã nói là in sâu thì không bao giờ mất đi, nó được xếp vào ngăn kí ức. Để rồi 30 năm 40 năm sau, sẽ có lúc ta lục lọi tìm lại những hình ảnh xưa cũ. Kí ức về những người bạn thời thơ ấu, cứ tưởng mình đã quên rôi. Vậy mà… Một giấc mơ lạ về cái viễn cảnh ngày gặp lại bạn, sao cứ nầng nậng nước mắt trong mơ, mà thổn thức mãi trong thực. Hôm qua nhỏ Hương tự dưng gọi, hỏi là còn liên lạc đứa nào ở xóm cũ thì gọi hẹn nhau uống cafe. Ừ! Để tao liên lạc! Đêm qua trời chẳng mưa, chỉ gió hây hẩy một chút, trong khi không khí mùa đông ở miền Bắc thì đang được hưởng thụ rồi. Sài Gòn vẫn nóng như lửa đốt, đêm nằm trằn trọc mãi, giọt mồ hôi còn đọng trên môi… Những hình ảnh về những người bạn cũ, tất cả hết sức đầy đủ, hiện lên trong giấc mơ lạ. và đâu đó quay quắt cái nhớ chúng nó làm cho tâm trạng thật là khó hiểu. Hương hay là Mai Hương. Nhà nó có tới 5 anh chị em. Là chị cả, nói cả chứ còn có anh 2, nhưng anh 2 nó thì ở dưới quê, thi thoảng lên chơi thôi. Nhớ lại lúc đó, cả 3 đứa em còn nhỏ xíu, Hương vừa đi học vừa phải giữ 3 đứa em thật là cực nhọc. Đi học về nấu cơm, nấu canh, vừa ăn vừa đút cho con nhỏ em út. Vừa giữa thằng Hải con Oanh. Thân nó ròm ngây ra. Nhà nó nghèo, che bằng mái lá, gió thổi ba luồng là lồng lộng hết cả lên. Nhớ ngày xưa có cái vựa nấm rơm gần nhà. Ba tháng hè con nít tụi tôi ăn không rồi rảnh, hết câu cá, bắt bướm ép khô, bắt châu chấu cho gà ăn… đâm chán chẳng biết làm gì. Con Hương còn nhỏ mà lanh, ra vựa nấm rơm, lấy nấm rơm về cho bọn con nít tụi tôi làm. Dễ lắm! Nấm rơi người ta thu hoạch rồi bỏ bao. Mình đem về gọi cái phần đuôi rồi phân loại nấm to cho vào rổ to, nấm nhỏ cho vào rổ nhỏ. Cứ 1 kí nấm, có 2000 đồng ăn quà. Vui nhất là lúc ngồi cắt nấm, cứ chọc đứa này đứa kia, kể chuyện um sum cả cái sân nhà ông ngoại. Rồi sau này nó cũng chuyển nhà đi. May là vẫn còn liên lạc với nó. Hiền, ba nó chẳng ai biết, chỉ biết má nó cũng có hai đời chồng, con anh con em cũng đàn lũ. Cho nên là con gái, nó cũng chẳng được ai trong nhà nó quan tâm bao nhiêu. Tính tình của nó cũng là một chuyện đáng nói. Ngỗ ngáo, nghịch ngợm. Nhớ có lần chơi chia phe đánh nhau. Chơi trân giả ai dè xung máu quýnh nhau thật. Lũ con nít đứng thành vòng tròn xung quanh hò hét. ở giữa đồng là tôi với con Hiền đang nắm tóc nhau. Tới chừng can ra về nhà, tối đó, nó cùng mấy đứa nghịch phá trong xóm, nhổ trịu toàn bộ vườn bông móng tay tui vun trồng đang ra bông đủ màu thật là đẹp. Sau vụ đó, đám tả tụi tui không chơi với nó nữa. Rồi cũng không lâu sau, nó dọn nhà đi. Giờ thì bặt tin! Đăng, công tử bột, cái biệt danh mà lúc còn nhỏ tụi tui hay gọi mỗi khi đi ngang nhà Đăng. Nhà anh cách nhà tôi cũng chừng mấy căn thôi, vì nhà cũng dãy B. Năm đó anh vừa chuyển nhà về, lại thêm phần con trai gì mà trắng như trứng gà bóc, lại nghe đồn học sinh Võ Trường Toản quận 1. Đối với lũ chúng tôi hồi đó, ai mà học ở Sài Gòn ( quận 1 đó ) nghĩa là công tử bột hết. Đăng bây giờ đã lấy vợ, có đứa con trai đầu lòng. Bọn “ con nít” ngày xưa gặp lại, hay kháo nhau “ Ê, sao hồi nhỏ thấy tên công tử bột ấy đẹp trai, giờ lớn sao xấu quắc vậy mày?” Tâm, hay tụi này còn gọi là thằng Bé, tên cúng cơm ở nhà của nó. Nhà nó ở dãy N. Tụi con nít ở xóm hay trêu nó bằng bài hát “ thằng bé âm thầm…đi vào ngõ nhỏ”. Cứ mỗi lần vậy là nó tức lắm, giựt rụng cho hết cái giàn hoa thiên lý nhà nó. Cũng từ năm 1997, đồng loạt kẻ đi tây, người đi ta, dọn nhà về quê, chuyển đi nơi khác, thằng Tâm cũng đi đâu đó mất biệt. Nhà thì ba má nó vẫn còn đấy, nhưng chẳng thấy bóng nó đâu. Lớn rồi, ngại hỏi han. Nhớ có cái tết nào đó, năm lớp 8 lớp 9 thì phải, nó có gọi tôi vọng qua từ cửa nhà nó. Nhưng tôi ngại. nghĩ lại cũng kì lạ. Là con nít mày mày tao tao. Ở cái tuổi “ trổ mã” thì lại bắt đầu ngại nhau, chẳng gọi mày tao được nữa. Giai đoạn này, con trai và con gái lại thấy thích thích, ghét ghét, rồi dần xa cách nhau. Quý, nhỏ bạn nối khố của tôi từ cái thời “ tắm mưa cởi truồng” đây. Nhà hai đứa xéo nhau. Băng qua giao lộ lớn là tới. Ôi thôi, cũng biết bao phen giận hờn, chửi lộn, ném đá nhau. Rồi bạn thân thì cũng mãi là thân. Nhớ có lần tức nhau, hai đứa chạy về nhà, lôi ra mỗi đứa 1 cột dừa làm bia, ném đá qua lại cho bõ tức. Cũng may chưa đứa nào bị lỗ đầu. Quý và tôi cùng trải qua những tháng ngày tuổi thơ thú vị. Rồi cùng trải qua thời học sinh mộng mị và những hoạt động sôi nổi thời sinh viên. Tới lúc lấy chồng, thì lại cùng nhau trải qua những năm tháng vui – buồn trong hôn nhân. Hiển, cháu của ông bà Dung cách nhà mình mấy căn. Nó ở đâu đó quận gì xa lắm, cứ tới hè nó mới được ba má nó cho về quận 7, nhà ông bà nội, chơi 3 tháng hè. Đây cũng là một công tử bột chính cống. Có lần chơi năm mười, nó núp sao mà lọt vô kẽm gai, may là không sao, chỉ bị rách quần. Từ đó bọn tôi đặt biệt danh là “ kẽm gai”. Ê cái thằng kẽm gai, cho ăn ké kem với coi! Hiển có ba anh em trai, anh Huy, Hưng ( hay Hân gì đó), nó là út. Ông Huy thì khá hiền, ít nói, cao ráo đẹp trai, thần tượng của tụi con gái xóm này. Khổ nỗi là ông anh chui rúc mãi trong nhà, ít khi thấy lộ diện. còn ông Hưng ( Hân) thì tròn ụ, lại thêm cái biệt danh bị tụi con nít đặt cho là “ bông tai” cũng từ vụ chơi đá lon vô vòng, chạy kiểu gì mà làm rớt cái bông tai của nhỏ Hương, phải đi tìm đến tối mịt cũng không có. Kể từ lúc đó thấy mặt ông Hưng( Hân) thì con Hương cứ xòe tay, trợn mắt dòm đòi bông tai. Thường thì Hiển hay rủ anh Hưng( Hân) của nó cùng chơi với bọn tui. Còn ông Huy thì chẳng khi nào. Tôi thấy nó mượn cây hái vú sữa cho lũ chúng tôi ăn, không phải là hình hài của ngày xưa, mà là thanh niên đã lớn. Bỗng nhiên ừng ựng nước mắt, trong cơn mơ, tôi thấy rõ mình mặc chiếc áo khoác ngoài màu hồng cam, rồi nói lí nhí gì đó. Giật mình thức giấc, thì hay khóc thật, nước mắt tràn cả ra bên ngoài. Làm như có cái thứ linh tính lạ kì. Đêm qua con Hương đột nhiên gọi cho tôi, hỏi còn liên lạc đứa nào ở xóm cũ không, hẹn gặp nhau sau mấy chục năm đi. Thì sáng nay nhờ dì đi hỏi bà nội Hiển, bà Dung cho hay Hiển nó bịnh nặng chết lâu rồi, đem di ảnh vào nhà thờ. Bà cũng không nói nó bịnh gì, chỉ buông câu có thế. Hay là giấc mơ đêm qua nó muốn gợi nhớ mình. Có thể hồn nó lưu lạc đâu đó trong cõi âm ti, nó lại nhớ về cái đám bạn thời thơ ấu này, mà lại nhắc ngay tôi. Nghe tin xót xa, cho phép mình rớt nước mắt vì 1 người bạn cũ đã lâu không liên lạc mà đã qua đời khi còn trẻ. Cho phép tôi thổn thức đôi chút về cái “ ngã rẽ cuộc đời “ này đôi phút. Sài Gòn, 6/11/12