Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Đi qua những cánh đồng gió

Những chặng đường trên hành trình đi tìm lại những di sản luôn luôn vất vả. Không phải lúc nào kế hoạch cũng như mình mong muốn. Về đất kinh thành những ngày mưa, mưa vật vã và lụt lội.
Tìm về cây cầu ngói cũ xưa, đường vào hai bên là liu xiu vài cây dương ngã đổ bởi mưa bão. Gió vẫn cứ thốc mạnh, xe phải chạy thật chậm để không bị lạc tay lái. Mùa lũ, nước dâng cao, người dân vùng này vẫn cứ phải lên nóc nhà tránh lũ.
Bờ sông sát mặt đường và nhà. Vì vậy lũ lên thì người dân chỉ có cách là lên thuyền hoặc lên nóc nhà mà đợi lũ rút. Hành trình thật vất vã. Những cánh đồng gió lặng thinh, chịu đựng trong mưa. Cây cầu ngói Thanh Toàn xứ Huế vẫn âm thầm đứng đó năm này qua năm khác. Cây cầu được xây năm 1776 và đã nhiều lần tu sửa. Ngày nay gỗ lim đã được thay bằng cọc bê tông vững chắc nhưng vẫn giữ lại gian trong cầu và mái ngói xưa. Mưa to quá, nên vào một quán nước, lại may mắn gặp ngay cô Kình, người làm thơ về cầu ngói Thanh Toàn đã xuất hiện trên nhiều mặt báo. ( Xem thêm về cô Kình: http://www.tin247.com/gap_%E2%80%9Cchuyen_gia%E2%80%9D_lam_tho_ve_cau_ngoi_thanh_toan-8-21976905.html) Mưa rất to bên ngoài, ngồi trong nhà cô Kình, nghe cô hò huế, một cảm xúc dạt dào khó tả. Cầu ngói Thanh Toàn u lạnh trong mưa. Bước xuống Thanh Toàn bóng xế chiều Hoang mang tiếng cuốc gọi cô liêu ( thơ của cô Kình).
Bên cầu là dòng sông Như Ý chảy qua. Mùa lũ nước sông dâng ngập mái nhà. Hoặc lên thuyền hoặc lên nóc nhà tránh lũ. Sao bao lâu rồi mà công tác đê điều vẫn cứ vậy, chẳng tới đâu. Sử sách ghi nhận trong hơn 50 năm từ 1802-1858, cả nước có 38 lần mưa bão gây lụt lội lớn, trong đó những lần vỡ đê vào các năm 1803, 1804, 1806, 1819, 1828, 1833, 1840, 1842, 1847, 1856, 1857 làm gần như toàn bộ Bắc Bộ bị lụt, mất mùa và đói kém. Miền Trung cũng chẳng khác gì. Từ các đời vua - quan cho tới nay, đê điều vẫn thật là tệ hại. Đi tới đâu cũng nghe dân tình than vãn. Khổ! Biết phải làm sao. Cật lực sống với lũ.
Sông Son vẫn xanh thẳm, vẫn còn son. Nhưng dân tình thì già hết cả vì cực khổ. Bờ sông năm nào cũng bị lũ làm sạt lở. Nước qua khỏi mái nhà. Nhà nào không có thuyền phải tạm bợ trên thuyền của nhà khác. Có khi 1 cái thuyền bé tẹo mà lưu trú đến ba gia đình.
Mưa dập vùi miền trung ngày lũ. Sáng hửng nắng đôi chút rồi mưa. Mưa từ sáng tới chiều. Mưa to rồi mưa nhỏ. Lất phất mưa và gió lạnh. Đi qua những quãng vắng. Mưa - gió thét gào vào lỗ nhĩ, nước quất vào mặt, gió luồn qua vai..lạnh cóng. Vậy mà lũ vịt vẫn vô tư trầm mình tìm tép tìm tôm. Đoạn đường ra Phá Tam Giang bị đứt lìa bởi lũ. Nước cao quá, không dám đi. Chợ chạy không phải đường mà chạy thẳng xuống sông. Bầu trời lúc nào cũng xám xịt 1 màu đen.
Làng cổ Bao Vinh, nơi hẹn 1 lần về thăm đã không còn cổ cho mấy. Ngày xưa 39 căn nhà cổ, ngày nay chỉ còn lác đác vài nhà. Xót xa trong dạ, hay cho cái sự " làm văn hóa" của thời ta.
Lối qua cồn Hến cũng bị bủa vây bởi lũ dâng. Đâu rồi Thôn Vỹ ngày xưa? Chỉ toàn 1 biển nước mênh mông. Đâu rồi lá trúc che mặt chữ điền? Chỉ còn lại sự nơm nớp lo sợ và tiếng hò nghe nặng lòng.

Không có nhận xét nào: