Chúng ta hẹn hò nhau khi Sài Gòn đang chập chững đi qua những
ngày nắng vàng của mùa xuân để đón mùa hạ cháy lòng đang
về.
Tháng 3, những cơn gió ngang trời, từng thềm lá
rơi đầy trên giao lộ Pasteur và Lê Duẩn, len qua tháp chuông nhà
thờ nối dài những giấc mơ.
Quán cafe của chị tuy mới nhưng lại thân quen quá đỗi. Đơn giản và tinh tế như chính con người chị vậy.
Tháng 3, ta gặp nhau một cách rất đỗi tự nhiên, bằng nụ
cười và những bản tình ca. Đêm nhạc " Mẹ và tình yêu "ở Hcafe
để lại rất nhiều cảm xúc.
Bởi hình như Tình ca cho em vẫn cứ vẹn nguyên hình ảnh thân quen Người đàn bà ôm đàn hát tình ca
của những ngày đầu những năm 90. Giọng hát chị vẫn chẳng thay
đổi gì với thời gian. Mỗi khi nghe chị hát bài này, vẫn nhớ
mãi cảm giác của thời gian những ngày cuối năm ngày ấy, nơi
góc phố ấy...nhắm mắt lại để giai điệu vang lên trong tim,
ngoài kia những giọt mưa ướt mềm khung cửa sổ, trời thì lạnh,
tách cà phê ấm không đủ làm trái tim khô ráo hơn , " hãy giữ lấy tình yêu, giữ lấy đời nhau.." Và ngày ấy để người ta ra đi, thật nhẹ nhàng... Rồi từ đó, có người yêu thương lắm cái bóng đơn côi của mình,yêu lắm cái khoảng trống trong lòng mình ...
Một phút thăng hoa với Nửa hồn thương đau . Một thứ tình cảm nhẹ nhàng mà toàn vẹn, lắng đọng và trong suốt như pha lê mà chỉ khi mất đi ta mới bồi hồi tiếc nuối.
Đó phải chăng là cái giá của sự trưởng thành, khi ta bỗng già đi, thất
bại trong cuộc chiến giữ gìn những lãng mạn trong đời, và niềm hy vọng
đã từng bền vững trong ta cũng dần phai nhạt…
Lại nồng nàn hơn với Koibitoyo ( Người yêu dấu ơi) hay
khắc khoải cùng với anh Thái Hòa trong Diễm Xưa song ca Việt
-Nhật. Cách đây 14 năm, khi bước chân vào Khoa Đông Phương để học
chuyên tu 4 năm tiếng Nhật ngành Nhật Bản học, em đã từng lục
lọi và tìm nghe tất cả những bài nhạc Việt được hát bằng
tiếng Nhật bởi chị.
Tháng 3, ta đi trên con đường thênh thang nhất thành phố, kể cho nhau nghe câu chuyện bà mẹ Ô Lý
di tản trong mùa hè đỏ lửa1972. Hình ảnh mẹ già và trái bí
cứ lập đi lập lại, nghe sao cứ thấy quặn lòng đau. Anh Hòa hát
thật đầm!
Chỉ có ai từng xa xứ, mới cảm nhận hết Cánh chim cô đơn.
Nghe câu chuyện kể từ đâu mà Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn viết ca
khúc này. Thế nhưng, những ai từng xa rời làng quê giếng nước
con đò, khi nghe lại bài này cũng không khỏi nhớ thương xóm
làng quê cũ. Nhớ những hẹn hò, hẹn hò với giấc mơ, hẹn về
nghiêng cánh vui bên làng xưa, hẹn đền em nỗi lo... Có
người đã bắt đầu thôi chờ đợi, có người sẽ bắt đầu nhớ đến
anh như là một hoài niệm, một cảm giác thật đẹp mà mỗi chúng ta đều
phải đôi lần va vấp phải khi lại mất đi những lần trọn vẹn yêu thương...
Lặng lẽ nơi này...Rồi từ đó... Một mìnhtôi về, mình
tôi với tôi. Đến một lúc nào đó,người ta sẽ tự hỏi, ta hình
dung nhau theo cách như thế nào? Chỉ là những khoảnh khắc..khi
chút tình xa vắng...
Một chút lắng đọng với Lòng mẹ qua tiếng đàn bầu hay Trở về máinhà xưa
với tiếng đàn tranh của chị Thiên Nga. Ngày tháng 3, ta biết
mình đã đưa tay đón mùa hạ trước, mùa hạ đã trôi qua quá nửa
con tim....
Trở về Thành phố mùa xuân, tháng ba hoa điệp đang trải vàng lối đi,những chiều về lộng gió...
Rồi từ đó, cóngười bỏ lại nỗi nhớ sau lưng, chỉ còn sót lại vạt nắng trước hiên nhà...
Những
ca khúc trong đêm nhạc, là mỗi một câu chuyện kể. Sự mong manh
của cuộc đời tựa như lá thu, như những cơn hoa điệp vàng rơi,
như những cơn mưa lướt qua song cửa, như nỗi buồn giấu trong cánh
chim bay...
P/S: Đêm nhạc " Mẹ và tình yêu "
Hcafe - 59 Tú Xương. Q3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét