Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Mùa thu trở về ( Mùa Thu của Phương )

Điều cuối cùng đợi chờ...rồi cũng đến. Sau những hẹn hò, mong đợi rồi thì chị cũng về. Về giữa mùa thu.
10 năm gặp lại chị vẫn nồng nàn, gần gũi như thuở nào. Thu của Phương thực sự thổi hồn vào lòng người một mùa thu còn lắng đọng mãi.
 Đêm nhạc đã kết thúc rồi, khi đang viết lại những dòng cảm xúc này, lại đang nghe bài Unbreak my heart, bài nhạc nền khi backdropt chạy lại quãng đường đã qua của chị. Và cũng làm em nhớ lại một người anh đã xa...
 Mở đầu bằng các ca khúc mang nhiều cảm xúc, nhớ về tuổi thơ, những chặng đường đã qua. Ai đó đã trả lại một Thu Phương tóc ngắn ngày xưa, thật tuyệt! Những hình ảnh cánh diều, thuyền giấy... Ai cũng lặng đi vì nỗi nhớ ngày xưa...

Em thấy chị đang lang thang bờ đê, tay vươn theo những cánh diều đang bay, hát vu vơ bài ca đồng nội. Có những giọt nước mắt thoáng trôi trong miền kí ức. Bước chân về thật nhẹ.

Dòng thời gian trôi đi, chắc gì người ta lại quên ngày hôm qua? Em cũng tìm thấy mình trong giọng hát chị. Tuổi mộng với những hôm tắm mưa cùng chúng bạn, chạy trên triền sông thả những chiếc thuyền giấy, gom đầy những mùa hoa tuổi học trò, hoa tím của tuổi chớm yêu và hương hoa sữa nồng nàn nơi cuối phố, những nụ hôn đánh rơi bên hồ... Cánh cửa sổ bỗng mở toang, biển vẫn chờ... Cô gái từ hôm qua, trở về thả mình trên cát. Đợi chờ trong chiều lộng gió.

 Chị lần lượt kể lại câu chuyện cũ. Mỗi ca khúc là sự trải lòng sau những thăng trầm. Chương trình kết thúc, Cảm xúc vỡ òa trong " Đêm nằm mơ phố". Vẫn sẽ còn mơ chị nhé. Bóng trăng đọng trên biển, cô gái đã trở về và đi từng bước rất khẽ, có một nỗi nhớ ùa về trên phố rất nhẹ, bình yên lặng im trong bóng đèn khuya...chờ sáng.

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Fansipan - mỗi bước chân mỗi cung bậc cảm xúc

Tháng 5 dự tính mừng sinh nhật 30 tuổi ở 1 nơi khác. Nhận công văn đã có quyết định xây cáp treo lên Fansipan 2014, ngay lập tức đổi kế hoạch. Cuối tháng 5 thì gấp quá, không kịp. Nên dời qua tháng 9. Ban đầu thành viên có 4 người, rồi tăng lên 40 người, sau cùng gút lại còn 27. 27 thành viên, chắc là về đến hôm nay rồi nhưng mọi người có lẽ vẫn còn thổn thức. Dự định viết ngay sau khi đi về, nhưng để khách quan, mãi hôm nay mới viết, sau khi mọi cảm xúc lắng xuống
 Trước chuyến đi, tổ chức vận động quyên góp. Có người nói mình làm chuyện ruồi bu hay bao đồng. Ai nói gì, mình chỉ im lặng. Bởi bản thân những người nói họ chưa từng tận mắt chứng kiến bọn trẻ vùng cao lam lũ thế nào. Mặc kệ, ai nói gì nói, mình làm mình hiểu. Ngày đến Sapa, 1 buổi sáng mưa. Mưa lất phất, nhưng đủ lạnh để thêm chiếc áo khoác ngoài. Trời mù sương kèm theo mưa, nhưng vẫn cứ phải đi. Mưa gió không cản bước chân của mình được.
 Trường học 2 bản Lau Chảy, Tả Vạn nay đã đổi mới, không còn sập xệ như những năm trước. Nhưng bọn trẻ thì vẫn lam lũ. Chúng đỡ hơn nhờ biết bao nhiêu cuộc vận động như mình đang làm. Nhưng camen cơm chúng ăn vẫn chỉ có cơm trắng, không có lấy một miếng khô cá hay một miếng thịt nào. Ban ngày đi học, đứa nào cũng xách theo camen, học xong ở lại trường ăn trưa. Chiều đợi cha mẹ đi bán buôn ở chợ hay đi đồng rồi về theo.
 Gặp thằng bé ở truồng đứng trước cổng trường với chị nó. Mình bắt đoàn dừng xe, nhờ bé Hương lục đồ, tìm được cái quần vừa y. Có một chút cảm xúc khó tả làm xốn sống mũi. Sến chăng? Kệ đi, mình là thế! Một phần của chuyến đi là đến với bọn nhỏ, có gì cho nấy, thấy lòng ấm là được rồi.
Ngày tiếp theo là hành trình lên Fansipan. Trước khi đi, mình đã xác định, đây là chuyến đi cần có ý chí và sự kiên trì. Hai thứ này thì không thiếu, dư nữa là khác. Chẳng qua vì mình là đứa lì lợm. Nhưng cái thứ thiếu chính là sức khỏe. Không biết sự luyện tập có đáp ứng nổi khi ở độ cao hơn 3000m không.
 Cung Sín Chải 3 ngày. ít người đi vì dài. bình thường ai cũng leo Trạm Tôn. Vậy tại sao mình lại phải theo người ta? Chính vì đi Sín chải, cảnh sắc ban đầu đẹp tuyệt vời, không đâu có thể tìm thấy được. Hơn nữa " đi khó về dễ" vẫn hơn. Ủng đi mưa lội nước, mang vào được 10', tháo và giục luôn. Nghĩ sao chân cứ xềnh xệch thì làm sao mà leo. Khuyên luôn, giày Nike free run siêu đã. Leo 3 ngày về không hề bị bong gân, đau chân và sưng 1 ngón chân nào. Thật là thích.
 Dừng ăn trưa ở trường học, trẻ con cứ nhìn cả bọn mà cười. Chắc tụi nó nghĩ " mấy ông bà này chắc khùng lắm đây". Bữa trưa đạm bạc, ai cũng ráng ăn lấy sức. Trời 2h chiều lại rất mau mù. Mới quang mây đó rồi ùn ùn mây kín trời ngay đó. Cái này mình không thấy lạ, cũng quen rồi. Tự nhiên đứng ở đoạn này, mình nhớ DakNong quá! Mình nhớ cái trường mà 16 đứa đã ở, nhớ con dốc cao cũng ở trên đồi nhìn xuống chẳng thấy bóng ngôi nhà nào, những con chó con chạy lung tung, những công hoa dại màu xanh li ti...Cảnh sắc y chang, chỉ có hành trình là khác. Rồi lại đi. 2200m vẫn còn xa, phải qua bao con dốc leo mệt xỉu, phải qua bao vực sâu và cao chóng mặt. Thi thoảng phải dừng lại để đợi và nghỉ lấy hơi. Mình đi chậm. Mỗi bước đi, là đang cố cảm nhận lấy rừng Hoàng Liên Sơn. Đã bao năm rồi rừng thay lá? Đã bao năm rồi rừng ngóng đợi mình? Này đây cái gốc cây cháy xém, này đây con suối nhỏ róc rách, này đây cái vách đá trơn kia...NHững bông hoa dại và rừng Đỗ Quyên trắng bao năm rồi vẫn ở đó, chắc chúng cũng muốn đi chơi!
 Đêm xuống, mọi người cố gắng để về lán 2200m. Cả đêm ấy có ai ngủ được đâu. Dù ấm, dù ăn no. Ngày thứ 2 mình mất sức hoàn toàn do đêm hôm trước không ngủ được, sáng ăn một ít, đoạn đường dốc nhiều. Nhưng vẫn cứ đi, vẫn chưa đến mức phải dừng lại bỏ cuộc. Trái chuối porter trao tay, sao mà ngon lạ lùng, ngon kinh khủng. Qua khỏi lán 2800m, không khí rất loãng, vì thế nên mình đi chậm và nghỉ nhiều, đơn giản vì muốn đi bằng chính 2 bàn chân của mình. Khi đã lên đến cột mốc, có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Cảm xúc thế nào thì xin giữ cho riêng mình. Chỉ chia sẻ rằng, trái tim Fansipan mình đã chạm tay tới.
 Đường về cũng xa.
Lại đi, và lần thứ 2 trong đời đi trong rừng ban đêm. Cảm giác đi đường Trường Sơn ( khi chưa xây) lại ùa về. Một bên là vực, 1 bên là vách đá trơn trợt. Gió, buốt. Đói. Chỉ có cái khác hơn, năm ấy mình đi trong ánh đuốc. Bây giờ thì đi trong ánh đèn pin. Nhớ sao là nhớ ngày xưa. Cứ đuốc hết dầu lại châm. Mưa lật phật cái áo mỏng, ướt đầm áo khoác mà vẫn cứ đi. Lần này cũng thế. Cứ như được thỏa cơn khát. Rồi dừng để tạm nghỉ lấy hơi. Ngước nhìn bầu trời đêm giữa rừng trúc, sao gần tới nỗi lấy tay với lấy cũng còn được. Cả dãy ngân hà kia, trước mắt. Cũng lại giống y chang đêm xưa. Có khác là đêm xưa đứng giữa rừng xà nu. Có một ngôi sao lấp lánh, hình như cũng đang muốn nói gì đó với mình, và mình đã ước.....
Lại tiếp tục băng đi trong đêm, khi bước đi mình chỉ thích im lặng. Để nghe gió, để nghe nước, nghe rừng nói gì. Trong ánh đèn pin nhập nhoạng, phía trước bóng vách đá cao, lại nghĩ đến câu chuyện " ngậm ngải tìm trầm", thoáng rùng mình nhưng lại thấy thích thú, có chút sợ hãi và một chút phiêu lưu. Rồi lại nhớ đi đêm rừng Trường Sơn, 12h đêm mới về tới điểm nghỉ. Nếu đi nữa, mình cũng sẽ đi, bởi mình lì!

Đêm ngủ lán 2800m, ngủ cũng không ngon lắm. 2h sáng lạnh vì em gái nằm cạnh trở mình, nghe có tiếng nhỏ Quỳnh Hà với bé Thư nói nhỏ " lạnh quá". Túi ngủ không ấm gì với nhiệt độ 2 độ C. Mình bật đèn pin kiểm tra thành viên lán 2. Rồi cố đi nằm lại. Đôi giày ướt chắc không khô nổi. Đôi vớ ướt, hong ở bếp lỡ cháy mất, mai không có vớ để đi, đêm không có vớ để ngủ. Lấy găng tay mang thay vớ, tay thì đút sâu vào túi áo phao. Túi ngủ cứ như bao nước đá trùm lấy người. Gần sáng, tầm 4h giật mình rồi nên thức luôn. Ngoài lán, sương mù dày, vẫn chẳng khá hơn 2 độ, hai ngày không đánh răng, cảm giác thật khó chịu, súc miệng bằng nước trà tạm. Ăn dơ, ở dơ, chứ không thể nào không đánh răng.
 Đường về từ 2800m cũng cheo leo, nhớ nhất đoạn vách leo cây gỗ, đoạn ấy thật là đẹp! Nhìn ảnh vừa vượt vách sâu, cười toe thế, có sợ gì đâu
Đến 2h chiều về đến đích Trạm Tôn. Hành trình kết thúc, nhưng hẳn 27 thành viên sẽ nhớ mãi...
Mình, mình sẽ nhớ về Fansipan, trái tim của Đông Dương. Nơi nắng rọi không xuyên nổi qua kẽ lá, nơi gió lùa qua lán đêm, nơi ý chí và nhiệt huyết chảy trong từng huyết quản của mỗi người, nơi rừng đã thì thầm cho mình bí mật ngàn năm. Bí mật ấy mình sẽ giữ cho riêng mình. Hẹn Fansipan ngàn năm nữa ( kiếp sau).

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Cỏ mùa thu

Phố phường vẫn nhộn nhịp đi về. Những chiều nay, mưa cứ trùm lên những hàng cây bên đường. Tạt vào mặt những băng ghế đá công viên. Mấy chiếc ghế đá thay nhau vuốt mặt, nước mưa cứ ào ào cay xè đến mỏi mắt.
Một đứa biệt danh là heo, một đứa biệt danh là cỏ. Cứ vậy gọi nhau, tồng ngồng có chồng rồi gặp nhau vẫn là heo và cỏ
 Nó đã đi qua mấy mùa thu lặng lẽ và những ngày mưa u buồn. Vậy mà chiều nay mình gọi cho nó, nó vẫn liếng thoáng " cỏ hả, đợi heo chút nha, heo gọi lại liền, heo đang kẹt trong nhà xe, để lấy xe xong heo gọi lại cho cỏ, đừng giận nha cỏ". Rồi mới hai ba phút nó gọi lại ngay. Vẫn cái giọng nói ồn ã, vẫn cái tiếng cười trong trẻo, ai đâu biết nó đã gãy gánh một lần.
 Hai đứa có chung nhiều sở thích. Người ta nói tri kỉ cũng phải. Chơi thân với nhau đến giờ cũng 28 năm rồi. Nhà hai đứa ở xéo xéo nhau, băng qua con đường là tới. Cùng nhau trải qua thời thơ ấu thật ngây ngô, đánh nhau, chọi đá nhau. Rồi trải qua những ngày cắp sách đến trường, cùng chung đội văn nghệ, đội trống. Đến khi vào đại học, mỗi đứa một trường không chung, nhưng vẫn cặp kè đi chơi chung suốt. Cỏ và heo coi chừng gắn bó cả đời thôi. Lúc nhỏ, khi còn khu đồng cỏ cạnh nhà, trời chiều ngày hè oi bức, hai đứa hay rủ nhau đi hái cỏ khô, những cái bông cỏ thật là bự, khô lại rất đẹp, mỗi đứa hai cho đầy một ôm, rồi đem về chia nhau lấy bình cắm. Nhớ có lần heo chạy qua í ới" Ê cỏ, mày qua nhà tao coi thử, sao tao cắm cỏ khô hổng đẹp gì hết, thấy nó cứ kì kì sao đó". Qua tới nơi, thấy heo cắm cỏ khô trong cái bình rất đẹp, bằng thủy tinh sáng bóng. Mới nói nó nghe vì sao không đẹp
- " Heo cắm cỏ khô trong bình thủy tinh không đẹp là phải rồi. Cái bình này rất đẹp, nhưng nó không phù hợp. Heo có cái bình khác không, tốt nhất là bằng đất". Heo lục đục một hồi đem ra một cái bình đất cổ cao, nhìn cũng thanh thanh, cắm cỏ khô vào lại thì khác hẳn. Cỏ khô đẹp tự tin và hoang dại hơn.
- Heo thấy chưa, cỏ khô nó đẹp trong bình đất, cũng giống như con người thôi. Đặt vào trong những môi trường phù hợp, bỗng dưng nó đẹp tự nhiên không son phấn.
Nó cười, nháy mắt với cỏ.
 Cứ mỗi khi tháng 9 hay mùa thu về, lại nhớ nó và gọi điện thoại nhắc nó chuyện xưa. Cũng đã bao năm, nó đã quên đi cái mùa thu đầy nước mắt. Giờ thì nó vẫn vô tư như heo của ngày xưa, mình mừng! Nghe đâu giọng vẫn rất trong trẻo, tiếng cười vẫn phóng khoáng như thuở nào. Chiều nay không có gió. Nhưng hai đứa thèm tìm cỏ mùa thu. Để nhớ cái mâm cỗ có mấy cái bánh nướng, mấy cái bánh dẻo, một bình bông cỏ khô...những tối trăng tròn xa xưa ấy.
13/9/13 - Viết tặng cho trung thu ngày xưa

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

VƯỜN CÂY CỦA ÔNG NGOẠI ( Trích đoạn trong tập truyện đang viết dở ^ ^)

Thân tặng bạn bè, những ai có 1 tuổi thơ như tui. 

Chiều nay ngồi làm việc, đọc bàibáo thấy công dụng của trái me, nói chuyện qua lại cùng đồng nghiệp, cảm hứng kể chuyện các món ăn về me. Rồi chuyển đề tài qua trái cây thật lẹ! Bất giác,tôi nhớ ông ngoại và vườn cây của ông quá đỗi. Ngày ấy, ông ngoại có căn nhà ở ngoại thành thành phố, nay thuộc quận 7. Mảnh vườn nhà cũng được khá, do đó ông trồng các loại cây ăn trái và rau.
Không thể không nhắc đến cây me trước nhà, cây vú sữa sau ngõ. Ngày còn nhỏ, thường ở bên ông bà ngoại, do đó mà mê mẩn cây trái và ham thích vun trồng. Trước nhà là cây me thân rất to,phải hai người ôm mới hết. Me ra lá xanh um những ngày hè. Trẻ con trong xóm bị nổi rạ, ba mẹ chúng thường qua nhà ông ngoại, xin hái ít lá me xanh về đun nước cho bọn chúng tắm. Me có nhiều công dụng lắm! Lá me non mà hái cho đầy một rổ,mang về rửa sạch, nấu canh chua với cá lóc thì ngon khỏi biết. Hương thơm của lá me ngào ngạt làm át mùi tanh của cá, vị chua mà không ế của me làm tăng gia vị cho nồi canh chua. Thân cây me rất chắc, nhà nào mà có cái thớt gỗ me xài thì làm bếp ngon khỏi chê. Mùa hè cũng là mùa thu hoạch me. Thông thường khoảng sau tết  là me ra bông, đến tháng 8 là thu hoạch. Bọn tôi ăn từ lúc me ra bông cho tới lúc chin trái và hết mùa. Này nhé, trái me khi còn non, chưa ra hạt. Hái xuống rửa sạch, cạo vỏ sơ sơ rồi chẻ làm đôi. Nước mắm pha đường, đâm chút ớt vào, me chẻ đôi mà quết thì cứ xuýt xoa vì hấp dẫn. Me to có hạt thì hái vào rửa sạch, chụng sơ nước sôi để bóc bỏvỏ. Nước đun sôi để nguội, cho muối và đường vào hoà tan, bỏ me vào ngâm, thế là có món me ngâm. Ngày nào dì tôi cũng mang ra trước nhà bán cho bọn học sinh ở trường cạnh nhà. Đến độ me chín thì hái đầy cả thúng. Bà ngoại thường mang ra chợ bán. Thu hoạch me cũng rất vui. Trẻ con tha hồ nhặt nhạnh, phân loại trái nguyên trái bể ra riêng, trái nguyên thì bán giá cao hơn. Bà ngoại lúc nào cũngđể lại một rổ lớn để ăn dần. Bà ngoại làm khéo lắm nha. Me bỏ vỏ, tách bỏ hạt rồi, trộn sơ với muối rồi cho vào keo đậy kín. Ngoại bảo rằng làm như vậy thì giữ được lâu, mà lại không bị sâu trong hạt làm hư. Me lăn đường cũng là món khoái khẩu của các chị các bà. Vậy đó, nhà bà ngoại luôn có me ăn quanh cả năm.Bán không hết, làm me lăn đường mang cho bà con hàng xóm. Tôi còn nhớ thời đó,cứ mỗi lần đến mùa me chín, đâm ra me thành món đặc sản của cả gia đình. Mang đi cho bà con hàng xóm mỗi người một ít ăn lấy thảo, tình làng nghĩa xóm càng thêm đậm đà. Trong vườn nhà phải kể đến là hai cây vú sữa. Tới mùa vú sữa chín,thích nhất leo lên cây, tay với hái trái chín bóng nhẫy, mùi vị thơm ngon và mỏng vỏ, ăn nhoàm ngay ở trên cây mới thú vị. Vườn nhà ông ngoại tới mùa nào làăn cả mùa trái đó. Chưa kể hai cây mận thân to cỡ hai ba người ôm. Một cây mận xanh và một cây mận đỏ. Loại nào cũng chắc ruột, ít hạt. Cam giấy thì cây mảnh khảnh, vậy mà tới mùa thì trái lủng lẳng trĩu cành. Yêu thích nhất là câylê-ki-ma hay còn gọi là trái hột gà. Thân cây trắng, lá bang bạc những chiều hè mưa. Tới mùa thì trái chín vàng ươm cả một góc vườn. Lũ trẻ nhỏ tan trường, cứ hay nán lại tìm cách hái trái. Ngoài ra, vườn nhà ông ngoại còn có cây chùm ruột, cây mãng cầu, cây xoài, cây nhãn, cây mít, mía đường, khoai lang, khoai mì…. Ôi, vườn cây của ông ngoại có đủ cả. Phải kể đến vườn rau nữa chứ. Rau sam, rau lang, rau muống, còn có cả một vườn lá lốt xanh tươi. Lá lốt thuộc họ hồ tiêu, có vị thuốc. Loại lá mà ăn món bò nướng lá lốt trở thành đặc sản không thể thiếu trong thực đơn các món nướng. Mùi lá chín trên bếp nướng thơm lựng, cái thứ mùi vị chẳng lẫn vào đâu được. Tôi thích nhất ra vườn phụ ông ngoại tưới cây. Ông chăm chỉ và nâng niu từng cây một. Những hạt sầu riêng ông gieo vừa ươm mầm. Ông tưới tắm, nâng niu phủ lá như thể che mưa cho chúng. Ngày ấy tôi bé lắm, chỉ lẽo đẽo theo sau lưng, nghe ông chuyện tròvề cây này cây nọ. Dường như có lúc tôi nghe thấy tiếng ông chuyện trò cùng lũ ớt đang chín đỏ cả cây. Người ta bảo rằng muốn cây trồng mau lớn, người trồngphải dốc cái tâm vào đấy, phải xem chúng như bạn, có tình yêu thì cây lớn mau.Những lúc như vậy, tôi thấy ông ngoại thật là giống ông tiên trong truyện cổ tích. Tóc ông bạc trắng, nhẹ nhàng vặt từng chiếc lá sâu cho cây, trò chuyện gần như thổi một luồng hơi mang lại sự sống dồi dào cho cả khu vườn khiến cây nào cũng tranh nhau ra thật nhiều trái ngọt. Ngày bé, tôi cứ hay thắc mắc hỏi ông:
-        Ông ngoại ơi, vì sao cùng là cái đất ở vườn này, mà lênmỗi cây một trái khác nhau vậy?
-        Ông cười lớn rồi nói: Đó là thiên nhiên và đất mẹ ban tặng món quà vô giá cho con người và nuôi sống con người đó cháu ạ. Chúng ta phải biết gìn giữ và chăm bón.
Nhớ có lần mải chơi chạy nhảy,vấp ngã sóng soài, tôi khóc mếu máo vì thấy máu chảy ở đầu gối. Mẹ bế ra sau vườn, hái lá sống đời, bóp vụn rồi đắp lên. Thần kỳ thật, máu ngưng chảy ngay và chỗ ấy lại rất mau lành. Vườn ông ngoại đấy, có đủ các loại cây thuốc nam nữa.

Buổi trưa trốn ngủ ra vườn, cây cối bao quanh mát rượi, cần ăn chỉ với tay là hái được trái. Trong vườn có một mảnh sân nhỏ bằng xi – măng, tôi và Yến – đứa em họ khá gần gũi vì ở chung nhà thường hay vẽ ô quang, hai chị em oẳn tù xì chơi dưới gốc mận ấy. Hay nhảy lò cò, thi cất nhà. Rồi vẽ hình công chúa và hoàng tử bằng phấn trắng. Những ngàythơ êm đềm ấy! Góc vườn ông ngoại để một bộ bàn ghế đá, những hôm rằm trăng sáng, bọn nhỏ trong nhà kể cả hàng xóm, tụ tập quanh ông nghe kể biết bao là câu chuyện hay. Có lần thấy bọn tôi hái cỏ lau, cỏ đuôi gà chia phe đánh trận.Phe nào thắng được cả cái bánh trung thu lớn. Ông ngoại cười gọi lại, hỏi mấy đứa có biết chuyện về một ông vua cũng từng ham chơi đánh trận như vầy không.Đứa nào cũng đực mặt ra vì có biết đâu. Ông ngoại cười khà khà gọi cả bọn lại,ngồi nghe ông kể.
“ Chuyện rằng xưa kia ở vùng quê Ninh Bình, có đứa trẻ tên Đinh Bộ Lĩnh, con ông Nguyễn Công Trứ. Do cha mất sớm, Lĩnh theo mẹ về quê ở. Thường đi chơi cùng trẻ chăn trâu chăn bò, Lĩnh thường rủ chúng hái cờ lau chia phe tập trận. Lũ trẻ thường tôn làm vua. Giả làm kiệu kông kênh tung hô. Và rồi đứa trẻ ấy lớn lên dấy cờ khởi nghĩa, thắng trận và làm vua. Lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng”.
Câu chuyện hay, không khí dễ chịu, mùi bánh trung thu thơm lừng, những chum trà râu bắp mát rượi…Cái khôngkhí của đêm trung thu ấy cứ đeo bám mãi trong tâm trí của mỗi đứa chúng tôi,đến độ tối ấy nằm mơ. Tôi thấy mình cưỡi con dê trắng có cái chuông bằng vàng (thay vì cưỡi con ngựa trắng), tay cầm cờ lau xông pha ra trận, đánh cho bọngiặt chạy tan hoang, quần áo rách bươm. Tới lúc tung hô làm vua thì thấy thằngHùng mập nhà hàng xóm đội cái mão làm bằng lá mít bảo với cả bọn rằng:
-        Ê không được, nó là con gái làm sao là vua!
-        Con gái, tao làm hoàng hậu, giống bà Elizabeth của nướcAnh! – Tôi cãi lại
-        Vậy thì mày cần phải có cái vương miện gắn nhiều kimcương giống bà ta – Thằng Hiển đội cái mão bằng mấy nhánh bông cứt lợn ( têncủa loại bông này là “ hoa ngũ sắc”, nhưng bọn tôi khoái gọi tên dân gian của nó như vậy) lên tiếng.
-        Ờ, để tao về lấy cái vươn miệng có gắn kim cương – Nói đoạn, tôi chạy vào nhà, lấy cái vòng đeo tay lấp lánh của mẹ bằng những hạtnhựa đủ màu ra đội lên đầu.
Thấy đẹp, chúng nó nhào vô dành lấy cái vương miện của tôi, thế là tôi ngã nhào xuống đất. Cả bọn xúm vào tranh nhau thế nào, tới lúc mỗi đứa lật gọng ra một nơi thì hỡi ơi, cái vòng đeo tay của mẹ tôi đứt lìa, các hạt nhựa màu lăn long lóc trên sân. Tôi mếu máo. Bọn nó sợ quá gom hạt nhựa trả lại cho tôi. Mang về thì bị cho một trận đòn tét mông.Tới đoạn ấy thì giật mình tỉnh giấc. Mồ hôi đổ đầy mình, cứ tưởng bị ăn một trận đòn no nê rồi. Tôi leo xuống giường, nhẹ nhàng nhón chân đi ra vườn. Chập choạng trời gần sáng, không gian ban sớm thật dễ chịu. Lũ chim sâu ríu rít trêncành cây cao đang tranh nhau bắt từng con sâu mập ú. Dì tôi hay bảo rằng chim bắt sâu cũng tốt. Nhưng ăn hết sâu rồi thì còn đâu hoá ra những con bướm xinhđẹp nữa. Ai cha, nhắc tới bướm thì mình sẽ lại có chuyện bày trò nữa rồi đây.
Tuổi thơ hái hoa bắt bướm….cạnh cầu ao, mẹ bắt được chưa đánh roi nào…đã khóc ( Phạm Trọng Cầu). Ngày hôm ấy lại bày trò. Mấy đứa thằng Hùng, thằng Hiển, con Hương rủ nhau làm lưới đi bắt bướm. Lấy cây tre nhỏ, đoạn dài hơn đầu chúng tôi, lấy vải mùng làm cái lọng.Thế là có vợt đi bắt bướm và lên đường! Ra khu đồng cỏ gần nhà ( giờ đã thành cái chợ cư xá ) buổi chiều thì không chỉ bắt được bướm đẹp mà còn bắt được chuồn chuồn voi nữa. Gọi là chuồnchuồn voi vì con nào con nấy rõ to, thân xanh cực kỳ đẹp. Mẹ tôi bảo rằng chuồn chuồn vốn là con vật kỳ lạ. Ấu trùng của nó ở dưới nước, sống 3 năm rồi mới lên bờ mọc cánh thành chuồn chuồn. Vì câu chuyện ấy mà bọn con nít chúng tôi khi bắt chuồn chuồn, chơi đùa đôi chút rồi thả chúng ra. Vì câu chuyện phải ba năm mới trở thành chuồn chuồn ấy. Đôi cánh trong suốt và hình dáng quen thuộc củanó đã đi vào ca dao từ thưở nào
“ chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng bay vừa thì râm”
Cũng chẳng biết tự khi nào người ra đồng nhìn cánh chuồn chuồn mà đoán được thời tiết như thế. Vườn cây của ông ngoại cũng là nơi trú ngụ của chuồn chuồn kim. Cũng là chuồn chuồn nhưng chúng bé xíu, mảnh dẻ và mỏng manh. Chúng thường núp bên dưới những nách lá cây ổi,cây cóc… Cứ có gió lớn thổi qua, một vùng hoa chuồn chuồn kim bị thốc lên khôngtrung. Tôi thấy vậy mà chạy theo gọi “ Chuồn chuồn ơi, chuồn chuồn ơi…” rồi vấp té, rồi khóc… Có lúc trong những giấc mơ thời thơ ấu ấy, cánh chuồn chuồn mỏng mảnh lại đưa tôi đi xa, qua nhiều miền đất lạ với những cánh đồng dài xa tít tắp, với tiếng sáo diều vi vu trên đồi cỏ mộng… Bọn tôi thường hay thi nhau xem đứa nào bắt được con bướm to nhất, con bướm đẹp nhất. Chuyện mùa hè, lũ trẻ con rủ nhau cầm vợt đi bắt bướm đã trở nên quen thuộc với người lớn trong xóm. Ông Hai Bửu thường hay chỉ cho chúng tôi cách ép bướm. Để ép được con bướm đẹp cũng phải mất nhiều công sức. Nhưng tôi thấy thật là tội cho những con bướm sặc sỡ xinh đẹp nên không tham gia. Bọn con trai thì rất ư là thích chí vì chúng nó làm cả bộ sưu tập.

Có khi trốn ngủ trưa để đi nhặ tnhạnh những trái cây rụng để chiều chơi bán nhà chòi. Vì sao gọi là nhà chòi.Có lẽ vì từ những cái chòi lá mà bà ngoại dựng ở vườn kế bên nhà để làm chái bếp nấu ăn. Tuổi thơ tôi gắn nhiều kỉ niệm lắm với chái bếp ấy. Chỉ đơn giản dựng lên từ những cộc tràm và lá dừa nước làm mái. Những chiều mưa tháng mười,ngồi dưới chòi lá mưa rơi lộp độp, nhìn lũ vịt tắm táp rỉa lông dưới mưa, là một trong những sở thích của con nhóc tôi. Chái bếp cũng là nơi ủ ấm những ngày mưa bão. Chái bếp là nơi những chiều, khói bếp bay tỏa thơm nồng mùi cơm chín, cứ đi quanh quẩn mà nghe mùi khói thơm thơm trong gió chiều là người qua đường biết đã đến giờ gia đình sum họp bên nhau. Chái bếp là nơi lưu giữ biết bao bí mật của tôi. Chái bếp là nơi cho đàn vịt ấp trứng và có biết bao em bé vịt đã nảy nở từ đó. Chái bếp cũng là nơi tôi hay phụ ngoại cời bếp nấu thuốc bắc trị cơn ho hen của ngoại.
 Có những trưa mưa rất to, bà ngoại cho mấy đứa nhóc ra tắm mưa. Tuổi thơ ai mà không có những trận tắm mưa đã đời. Bọn con nít hàng xóm cũng được ba mẹ nó cho đi tắm mưa. Cùng nhau đùa nghịch dưới mưa, rủ nhau đứng thành vòng tròn, rồi một đứa nắm một cành me, rũ nước xuống cả bọn. Cả bọn rủ nhau đi vòng xóm, ui thích lắm. Trời mà mưa to, thế nào cây xoài nhà ông Đệ cũng rụng những trái chín. Rủ nhau dầm mưa đi lượm xoài rụng. Thích ơi là thích, đứa nào cũng được vài trái. Chỉ sợ lũ ngỗng nhà ông mà thôi. Ngỗng nuôi cứ như chó giữ nhà ấy nhỉ. Biết kêu quang quác như chó sửa gâu gâu này, biết rượt ăn trôm nữa. Trong cái đầu bé tẹo của tôi cũng nghĩ đến ngày mình mua một con ngỗng trắng muốt cho riêng mình. Nhìn vẻ bước đi yểu điệu và lông trắng ngần của nó cứ y như nàng thiên nga xinh đẹp trong câu chuyện cổ tích mẹ hay kể. Sau trận mưa ấy, tôi sốt li bì. Mẹ phải thức đêm để đắp khăn lên trán cho tôi.
Chưa kể còn hái bạc hà của ông ngoại để làm bánh mì chơi nhà chòi. Hái lá dâm bụt làm tiền. Phân loại lá lớn lá nhỏ. Rồi mua bán những trái sơ ri xanh lét, hay chỉ là những trái cóc be bé nhặt được.


Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Những hạt giống

Trẻ em - những hạt giống tương lai. Không thể để chúng lớn lên với những định kiến, những qui luật bảo thủ của gia đình quá cổ hũ. Cũng không thể để chúng tự thân mà lớn. Hạt mầm cũng cần có một môi trường tốt để phát triển.

Môi trường và tình yêu thương, giúp chúng tự tin và phát triển nhân cách đúng cách. Cũng như tình yêu vậy, cũng cần có môi trường để nuôi dưỡng tình yêu. Cũng cần có nước, có ánh sáng tốt để tình yêu mỗi ngày thêm lớn dậy, thêm xanh tươi.

Đừng chôn vùi cảm xúc, nó cũng là nguyên nhân xúc tác đến tình yêu. Hãy nâng niu nó như những hạt mầm, chọn 1 vùng đất tốt, để gieo hạt. Nuôi dưỡng trong ánh sáng sớm nhất của ngày mới, tưới nước đầy đủ của chiều tàn, dung dưỡng trong gió đêm nhè nhẹ. Hạt mầm sẽ nảy, xanh tươi và vươn mình mạnh mẽ.
Rồi những hạt mầm tươi tốt sẽ phát triển thành những cái cây thật khỏe và thật to. XÃ hội chính là môi trường. Khi xã hội bị " ô nhiễm " những mầm xanh sẽ không lấy đủ ánh sáng, không uống đủ nước và không còn không khí sạch để thở. 1 đứa trẻ lớn lên trong môi trường như thế, chắc chắn không phải là 1 đứa trẻ có suy nghĩ tốt.

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Bờ rào nắng Tigon



-         Ê, ai cho hái hoa đó
Tiếng nói vọng ra từ trong làm cô nhỏ giật mình, đánh rơi chùm hoa vừa nhón chân lên hái.
-         Muốn hái thì phải vào xin phép chủ nhà chớ!
Lại cái giọng nói ấy vẳng ra. Cô nhỏ đoán ngầm chắc người vừa nói ấy cũng không quá già so với mình.
-         Cho xin lỗi, có thể cho tôi vài cành tigon không?
-         Xin lỗi thì đã muộn rồi, hoa cũng đã hái. Biết làm sao hơn. Mà hái về làm chi cái hoa hàng rào này?
Cô nhỏ thấy lấp ló sau hàng rào dày đặc tigon, che lấp cả những mắt cáo của lưới B40 là một mái đầu húi cua cũng còn xanh lắm. Nghe giọng trẻ thế kia mà!
-         Hái về cắm bàn thờ, hôm nay là giỗ chị…
Nói đến đó nhỏ lấp lửng… Nghe bên kia hàng rào cũng chừng khe khẽ hắng giọng. Rồi nghe có tiếng sột soạt và tiếng đẩy cửa bước ra
-         Sao bé không nói sớm, lỡ lời cho anh xin lỗi nhé. Hoa cho bé đây!
-         Ơ…
Ngạc nhiên vì đã được “ diện kiến dung nhan” của chủ nhân, nhìn mặt thấy quen quen… Lại còn nhận được một ôm hoa, toàn là những cành thật đẹp. Tự nhiên nhỏ bối rối…
-         Cám ơn ạ.
-         Có gì đâu mà cám ơn. Hoa này trồng hàng rào đó mà. Nó nở hoa quanh năm thôi. Cho bé vài cành có gì mà phải rối rít cám ơn. Hình như bé ở gần khu này à, sao thấy mặt quen quen vậy?
-         Không em ở cách đây 2 dãy phố
-         Có thể gặp bé ở đâu đó rồi
-         Sao biết tuổi người ta mà gọi bằng bé? Tự dưng nhỏ nổi quạu
-         Hì hì.. thì nhìn mặt cũng non non, mà chắc non hơn anh rồi.
-         Con trai thật là vô duyên!
-         Ơ, cho hoa còn bị mắng vô duyên nữa. Cái con nhóc này…
Huy chưa kịp nói hết câu, thì đã thấy cô nhỏ leo lên chiếc xe đạp màu xanh chạy đi mất. Dáng nhỏ mỏng mảnh, khuất ngay khúc quẹo ra ngõ. Huy chống nạnh, đứng nghĩ một hồi “ thật mình vô duyên lắm à?” Rồi cũng đi vào nhà. Ánh nắng chiều đầu hè gắt gỏng và bực bội như muốn xuyên thủng cả nóc nhà. Mới đầu hè mà sắc nắng đã vàng thuộm, cứ cuối chiều là nhuốm vàng cả bờ rào tigon hồng. Nhà Huy trồng một dãy tigon dọc theo sân trước, tigon quấn lấy rào lưới, cứ sinh sôi và quanh năm trổ hoa, hết mùa này đến mùa khác. Tigon nhà Huy là tigon bốn mùa. Mùa nào, tháng nào cũng nhìn thấy hoa nở. Cuối thu đầu mùa đông, cái nắng hanh hanh dìu dịu và một chút thoáng lạnh trong sáng sớm, tigon hồng thẫm trên nền trời xam xám của những đợt mưa cuối cùng của mùa mưa. Vào hè, tigon vươn càng nhiều cánh tay xanh gầy mỏng mảnh bám lấy bờ rào, và hoa nở càng đậm. Huy nghĩ “ Thật lạ, giỗ mà lại chưng hoa tigon, sao không là cúc là vạn thọ…” Chợt nhớ lúc nãy nhỏ nói là giỗ chị. Rồi bao nhiêu là câu hỏi xoay quanh câu nói ấy. Chị mất sớm ư. Thật tội nghiệp bé!”
---
Đã quá giờ vào lớp, Huy vẫn thủng tha thủng thỉnh vác balo lững thững trong sân trường. Kể từ ngày từ chi nhánh chuyển về, Huy cảm thấy chẳng còn vui như năm thứ nhất. Hằng ngày lên giảng đường bỗng nhiên không còn thấy thú vị nữa. Bọn chung lớp cũng “ cúp cua “ nhiều. Đến năm thứ ba thì người ta tự cho mình cái quyền tự nghiên cứu nhiều hơn là lên giảng đường nghe ra rả của ông thầy bà cô qua cái mi-rô rè rè. Coi vậy mà không được rồi, điểm danh vắng mặt là cấm thi như chơi, thà đến còn không. Ấy nên, Huy có đi, mà toàn đi trễ. Huy cũng chẳng cần phải ganh đua gì với mấy đứa được “ xếp hạng “ trong lớp. Cứ thấy tụi nó quơ tay múa chân là Huy muốn ho khan lên. Ăn thua thực hành thôi bạn ơi! Đang bước chân lên cầu thang, bỗng “ Ụp”. Có đứa nào chạy vội đụng trúng Huy. Chồng sách trên tay rớt bịch bịch. Vừa đang tính cau có thì nhìn qua
-         Ơ, là bé à!
-         Ơ, xin..xin lỗi… Tại đang đi gấp quá, không kịp giờ…
Huy nhận ra cái con nhóc chiều hôm qua hái trộm hoa bờ rào nhà mình, vẫn cái kiểu mím môi đó, vẫn cái kiểu xin lỗi đó…
- Èm, đi đâu mà vội dzữ vậy? Đụng trúng người ta nè, mà bé rớt sách kìa, để anh lượm dùm cho.
Nói rồi Huy nhặt đồng sách còn nằm vươn vãi trên sàn đưa cho nhỏ và nháy mắt tinh nghịch.
-         Hóa ra thấy quen là do chung trường đó
Huy nói vậy để nhấn mạnh lại cái sự quen quen chiều hôm qua. Thấy nhỏ luýnh quýnh như chừng muốn đi. Huy vội hỏi
- Bé phải đi gấp à, thôi được, không có gì thì bé đi đi. Anh tên Huy, ở khóa 6, khoa CT. Còn bé?
- À, em tên Kim, khóa 7, khoa DN. Đang vội quá, tới giờ em đi làm thêm. Cám ơn anh chùm hoa chiều qua nhé!
Nói rồi nhỏ chạy vội xuống cầu thang. Ra bãi giữ xe, quăng hết tập vở lên rổ xe đạp. Chạy như bay tới chỗ làm thêm.
Kim đang là sinh viên năm thứ hai. Nhỏ đi làm thêm ở trung tâm giải trí dành cho trẻ em. Nói là trung tâm cho ngoa, chứ thật ra chỉ là một khoảnh nhỏ, trong đó có các trò chơi cho trẻ từ 3 tới 10 tuổi. Đủ các loại như nhà banh, xếp hình, tô tranh… Đây là nơi mà các bậc phụ huynh khi bận rộn, muốn cho con mình giải trí và mình có thời gian để làm việc riêng, họ gửi con vào đây. Nhiệm vụ của các nhân viên làm việc ở đây là tạo trò chơi và coi chừng mấy đứa nhỏ. Phụ huynh phải trả tiền theo giờ. Nhà Kim có 3 chị em. Một người chị, một người anh và Kim. Cũng chẳng phải khó khăn gì, Kim thích đi làm thêm vì tự mình kiếm tiền để mua sách vở, mua truyện đọc, hay để làm việc lặt vặt theo ý thích. Ban đầu nghe tin cô gái rượu của mình tuyên bố là từ tháng sau sẽ không nhận tiền ăn quà từ bố mẹ, ba Kim đã tròn mắt và lo lắng. Sợ con gái không đủ sức khỏe vừa học vừa làm, ông đã can ngăn nhưng Kim vẫn quyết tâm làm như vậy.
- Con làm vậy vừa vì con, và cũng vừa vì chị Khuyên. Nói rồi giọng nhỏ nghe buồn rượi
Chị Khuyên của nhỏ đã qua đời khi tuổi còn xuân chín. Chị mới 20, cái tuổi đong đầy biết bao ước mơ, cái tuổi còn biết bao dự định chưa làm. Chị Kim ra đi, để lại trong Kim một khoảng trống, bởi vì hai chị em khá gần gũi với nhau. Thường hay hùa nhau chọc anh Thi. Lần đó chị đã không qua vì tai nạn xe quá nặng. Cả gia đình đã gần như ngất xỉu khi nghe tin, riêng Kim cần như chết lịm. Kim không òa khóc vật vã như mẹ. Kim chỉ đứng nhìn chằm chằm vào tấm ảnh chị mỉm cười trên quan tài, không có tiếng nấc, nhưng nước mắt cứ lăn dài trên gò má của Kim. Sau cái chết của chị, Kim trở nên lặng lẽ hơn. Kim vẫn nhớ mãi cái nụ cười của chị, cách chị hất mái tóc dài ra sao, cách chị cười sặc sụa hay ôm bụng mỗi khi hai chị em kể chuyện tếu về các chàng trai là bạn của chị hay của Kim. Kim nhớ chị vì chị cũng có tính thương người. Kim nhớ chị hay đi làm thêm về trễ, chị đi dạy kèm, tiền dạy kèm của chị, chị để dành dụm, mua bút chì màu – mua tập sách, đi tặng cho mấy đứa trẻ em nghèo bên quận 8. Đôi lúc Kim nghĩ, ông trời thật bất công, người tốt như chị Khuyên sao lại chết sớm đến vậy.
-         Này em, chị muốn gửi bé con nhà chị đến 8h nhé.
Giọng của một chị đến quầy làm Kim giật mình, vội thu thẻ thành viên, làm thủ tục cho bé vào khu vui chơi.
Sau khi gửi con vào, người mẹ vội vã chạy đi. Đứa nhỏ chỉ chừng hơn 4 tuổi, vì nó đã tới nhiều lần nên không cần Kim hướng dẫn, nó tự động bỏ giày vào kệ, và đi vào vui đùa cùng với mấy quả bong bóng.
Trong đầu lại tự nhiên xuất hiện cái gương mặt cười vô duyên của tên Huy. À, giờ thì Kim đã biết tên hắn ta. Trên mình một khóa chứ gì. Bữa đó đưa nhỏ bạn về dùm, rồi thấy tigon nhà hắn nở đẹp quá, sực nhớ chị Khuyên cũng thích hoa tigon, nên mới hái về đặt lên bàn thờ chị. Ngày đó, chị Khuyên hay đọc thơ về hoa tigon. Kim nghe như vịt nghe sấm, chẳng hiểu gì. Giờ thì Kim hiểu, tim vỡ là như thế nào. Tự nhiên nhớ lại, lại ứa nước mắt nữa rồi. Đưa tay lau vội, đang trong giờ làm mà sao lẩn thẩn thế này. Vội trở vào nhìn lướt qua các bé đang chơi như thế nào…
--
Hôm ấy về nhà, vừa dẫn xe vào cửa, Huy đứng mãi ở bên vườn nhà, ngắm mặt trời lặn dần sau dãy tigon đang ganh đua nhau nở, những chùm vội vã… Thật lạ, hắn bắt đầu nghĩ nhiều về cái cô bé hái trộm hoa kia…
--
Cũng không khó khi tìm ra lớp của nhỏ. Bởi khóa 7 khoa DN có ba lớp chứ mấy. Biết nhỏ ở DN3, Huy lên phòng giáo vụ xem thời khóa biểu. Rồi tự rủa mình “ Mày thật là ngộ, Huy à. Lo học không lo! Lại đêm qua nằm mơ, một giấc mơ kì lạ”. Huy thấy mình trao tay cho nhỏ một bó tigon rất lớn, nhỏ mỉm cười nhận lấy, rồi bỗng dưng nhỏ tan biến vào hư không, bó hoa tigon rơi xuống nền đất. Huy vơ tay chụp lấy hư không như để níu nhỏ lại. Và giật mình tỉnh giấc. Đến sáng ra còn mãi bàng hoàng, chạy xe lên trường mà nửa tỉnh nửa mê. Một giấc mơ kì lạ!
--
Chiều nay Huy cùng nhỏ có giờ trên giảng đường. Biết giờ nhỏ xong tiết Triết, Huy cố tình đợi ở hành lang. Vừa thấy Kim, Huy nhảy ra níu lại, làm nhỏ hết hồn.
-         Ê nhỏ, xuống canteen uống nước mía nhá.
-         À…ờ… cũng được – Hơi ngập ngừng nhưng Kim cũng đồng ý
Canteen buổi chiều vắng vẻ, do tới giờ về thì chúng nó ùa về hết. Gọi hai li nước mía, Huy kể chuyện vui về lớp của Huy. Kim lắng nghe, không nhận ra ánh mắt mình cũng long lanh lạ thường.
Kể từ ngày ấy, họ cũng thường gặp nhau. Khi thì quán bò bía, khi thì quán tàu hũ chiên…toàn món ăn của sinh viên. Họ dần hiểu nhau hơn và Huy cũng biết vì sao Kim thích hoa tigon. Có lần mưa chiều ầm ầm xối xả. Tháng bảy mưa ngâu, còn Sài Gòn thì tháng bảy mưa rầm rầm, nhưng cũng tạnh mau. Hai đứa trú mưa dưới hiên của trường, trời sáu giờ chiều mà tối sụp, lại chẳng đem áo mưa, hai đứa phải đợi mãi. Ban đầu nói ríu ra ríu rít đủ thứ chuyện, rồi đột nhiên Kim im lặng, chỉ để Huy nói một mình. Thấy lạ, Huy hỏi
-         Nhỏ mệt à?
-         Không, em chỉ đang nhớ chị Khuyên. Anh Huy biết câu chuyện về hoa tigon không?
-         Không, anh cũng không hay nghiên cứu lắm về hoa hòe.
-         Câu chuyện về hoa tigon ấy. Muốn em kể không?
-         Ừ, kể anh nghe đi, dù gì trời cũng mưa lớn quá. Đạp xe chắc không thấy đường chạy đâu.
-         Có một cậu bé thường hay ra biển nhặt vỏ ốc. Với cậu, những chiếc vỏ ốc xà cừ lấp lánh kia, nó giống như những mảnh kim cương, là báu vật của Salomon. Cậu hay nhặt đầy cho một túi, mặc cho biển gầm gào đòi lại, ngày nào cậu cũng đi nhặt cho đầy một túi quần mang về. Rồi lần ấy, phát hiện ra gần đó, có một ngôi nhà có giậu hoa gì be bé, màu hồng phơn phớt thiệt đẹp. Cậu bé mon men đến đó, giàn hoa ấy chạy dài theo cả một mảng sân rất rộng. Và cậu bé thấy có một cô bé cũng trạc tuổi mình đang nhìn ra. Thấy cô bé, cậu bé bốc nắm vỏ sò ra khoe. Cô bé mắt tròn xoe thèm thuồng lấp lánh, này – cho tớ con ốc ấy đi. Xuống biển mà nhặt – cậu bé nắm lại trong tay, giấu sau lưng kiểu con nít. Bố mẹ tới không cho ra biển chơi, sợ lắm, biển dữ lắm – Cô bé tuyệt vọng. Vậy là bị nhốt à? Ừ. Cầm con ốc cậu bé cho, ánh mắt cô bé sáng rực long lanh, nhảy chân sáo vui mừng. Thế là từ hôm đó, cứ hễ nhặt được cái vỏ nào đẹp, cậu bé lại nắm chắc trong tay “ Tí nữa cho nó”.  Lần này cậu bé nhặt được cái vỏ sò thật to, màu xà cừ lấp lánh rất đẹp. Men theo triền dốc đến bên giậu hoa, cô bé cũng chờ ở đó. Cho tớ à - ừ, nhưng lần này mày phải cho tao cái gì lại chứ. Tớ chỉ có mỗi miu với búp bê thôi – cô bé bối rối. Con miu là con mèo ấy à? Ừ, nó biết vuốt râu đấy nhé. Thôi, tao không cần con mèo ấy, nó ị hôi lắm, còn búp bê tao không chơi, thôi tao về đây. À, cho cậu cục nam châm hút đinh có được không? Được, cho tao đi, tao cho mày hết nắm ốc này luôn. Cô bé chạy đi, rồi chạy ào ra với cục nam châm trên tay hớn hở. Cậu bé vừa cầm cục nam châm thì thấy sau lưng cô bé là người đàn ông to cao có ria gọi giật” này con, sao lấy cục nam châm của bố”. Cậu bé rụng rời vì bị bắt quả tang, ném cục nam châm lại, rồi chạy vụt đi, để đằng sau là tiếng cô bé khóc òa… Rồi thời gian trôi qua, chẳng còn ai về qua bờ giậu ấy… Một ngày nọ, đâu đó trong trí nhớ của cậu bé ngày xưa, chợt thoáng ẩn hiện, đưa cậu tìm về bãi biển vắng, nhìn những chiếc vỏ ốc lăn lốc trên bờ cát, kỉ niệm tuổi thơ ấy bỗng quay về rất vội. Nó bắt cậu bé lần mò tìm lại bờ giậu ngày xưa đó, ngôi nhà vẫn đó, giàn hoa vẫn đó. Thì mới hay cô bé ấy đã đi học nước ngoài hai năm rồi. Hỏi người nhà, cái hoa leo ngoài kia là hoa gì. Mới hay là hoa tigon,  hoa của tim vỡ ấy. Giật mình, vì đã hơn 20 năm, đến giờ cậu bé mới biết tên của loài hoa ấy, khi biết rồi mới thấy nhói tim mình biết bao.
-         Chuyện hay quá, giờ anh mới biết đó. – Có cái gì đó làm xốn hốc mũi của Huy.
Câu chuyện Kim kể cũng vừa dứt con mưa. Trời đã tan mây, đường xá ướt sũng và đôi chỗ vẫn còn ngập nước mưa. Họ chia tay nhau ra về, mỗi người mang trong lòng những suy nghĩ thầm khác nhau về câu chuyện được nhắc lại ấy.
--
Có thể vì câu chuyện kể mà Huy tự dưng thấy thích bờ rào tigon nhà mình. Những ngày thi, Huy hay hái cành hoa đẹp nhất, giắt ở rổ xe đạp của Kim trong nhà xe. Những ngày thi đó, cứ tan ra, Kim lại thấy một cành tigon xinh xinh mà Huy đã giắt sẵn. Trong lòng của họ có đôi chút lâng lâng niềm vui sướng. Vậy mà chẳng ai nói với ai một câu gì.
--
Thời gian trôi đi. Huy ra trường trong vội vã, và lên đường đi học cũng vội vã. Bỏ lại bờ rào tigon chiều nắng ngậm ngùi. Có cô bé đạp xe đạp màu xanh, đôi lần về ngang qua, nhưng chỉ đứng nhìn bờ rào nắng, rồi âm thầm về trên phố một mình.
--
Hai năm sau trở về nước, Huy phấn khích khi nhìn thấy mái nhà xưa vẫn như ngày nào. Và chợt ngỡ ngàng khi vừa bước chân vào cổng, khu vườn bên trái vẫn rực nắng tigon, những bông hoa be bé, rực hồng rung rinh… Chỉ một thoáng gió nhẹ qua thềm, những tia nắng cuối ngày chiếu vào bờ rào, bỗng nhiên có gì đó đau nhói trong tim, quẳng đồ ở nhà, vội lấy xe máy của chị chạy đi. Huy biết mình nhớ gì, không ai khác ngoài cô nhỏ. Cái ánh nắng chiều hôm ấy, bờ tigon chiều hôm ấy và cô nhỏ gầy nhom chiều hôm ấy…Trời ơi, sao mình lại khờ như vậy. Sao mình lại thờ thơ như vậy… Chạy đến nhà nhỏ, thì anh Thi đã cho hay Kim vừa lấy chồng, đi theo chồng cũng hơn 6 tháng nay rồi.
Quay xe về nhà, cho nó chạy đi đâu thì chạy, Huy nghe tim mình tan vỡ. Tại vì mình, tại vì mình đã quá thờ ơ. Tại vì mình chẳng liên lạc với nhỏ, tại vì mình chẳng nói với nhỏ đôi lời nào. Nhìn bờ rào tigon vẫn rung rinh trong gió chiều, tim đau thắt, và hình ảnh chiều xưa bên bờ rào nắng tigon ấy, hình ảnh cô nhỏ đã in đậm trong tim.
--
sunmi_totoro ( sunmi nguyen)
Sáng tác xong: t4/2013


Truyện lấy tên các nhân vật từ tên tác giả bài “ Hai sắc hoa tigon” TKKH
T: Thi, K: khuyên, K: kim, H:huy

Thân tặng cho bạn bè, những ai đã từng ngồi trên ghế giảng đường, những ai đã từng thích hoa tigon, và những ai đã từng có cảm xúc dù chỉ một chút khi đứng bên bờ rào nắng tigon

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

When the sun goes down

Khi hoàng hôn buông xuống, ánh sáng cuối ngày tắt lịm dần sau mái nhà nơi xa xa...Cũng là lúc người ta nhớ về ngày hôm qua nhiều nhất.
Có một chút khói đượm nồng bầu trời nhiều mây. Mùi rơm rạ khô đang cháy tí tách và bóng đêm buông dần trên cao nguyên. Tiếng đứa nhỏ khóc đòi mẹ. Tiếng trâu về chuồng. Tiếng heo đòi ăn. Tiếng bà cụ già nào đó cất tiếng gọi cháu, đứa cháu nhỏ đang chơi trong sân sau nhà.
Có một chút man mác, và người lữ khách vẫn đi về một mình. Chiều rơi, người ấy vẫn đứng chờ ở sân ga vắng. Tiếng tàu leng keng về bến, cứ như tiếng cỗ máy thời gian đưa người về với quá khứ. Thoáng gió thổi tưởng đâu là mưa... Ga vắng người, chỉ còn tiếng lạch cạch của người bán vé đang dọn dẹp trong quầy và chuẩn bị ra về. Người lữ khách hạ ô, từng bước nhẹ dọc theo đường rầy... Ga vắng, cảm giác cô đơn và trong chiều lạnh. Nỗi nhớ chìm sâu vào bóng đêm...
https://www.youtube.com/watch?v=4reVHmHD8L4

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Ban trắng

Mùa hoa ban lại về
Người xưa sao không về...
Ban trắng khắp các con đường, ban trắng khắp các sườn đồi. Trẻ con tung tăng áo mới, đến trường trong sớm mai. Ban trắng rơi đậu trên vai. Ban theo thiếu nữ đến lớp...
Mùa hoa ban, gợi nhớ miền gió núi, thăm thẳm những vực sâu...Khi ban rộ như trẩy hội, những chiếc gùi cũng nhấp nhô trên bờ khe.
Người xưa chắc không nhớ ban trắng để mà về...

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Cẩm tú cầu

Hortensias tên tiếng Pháp của Cẩm Tú Cầu.
Những búp hoa thật to, thật rực rỡ bên hiên nhà. Ước mơ có một mảnh vườn nhỏ, khi mở tung cửa sổ, là những bụi Cẩm tú cầu rạng ngời đón gió sớm.
Sắc hoa xanh phớt, một cành là một bông thật to, có ai nhớ câu chuyện về hoa tú cầu và hồn hoa tú cầu đã biến thành cô gái, để đêm đến tìm gặp chàng trai đã chăm sóc hoa ban ngày. Những câu chuyện huyền hoặc theo kiểu liêu trai vẫn cứ hút hồn người nghe. Hồn hoa rồi cũng tan biến như khói như mây...

Violet

Violet, nghe tên lại nhớ đến người con gái xinh đẹp và dịu dàng nơi miền nam nước Pháp. Ở nơi đó, những cánh đồng bát ngát trải dài, và những bông hoa xanh tím rung rinh trong gió.
Nàng Violet vẫn đợi Anfaret... Cái sắc tím mong manh, từng cánh mỏng, tựa như những giọt nước mắt thấm đẫm vai áo Anfaret đêm cuối cùng bên nhau. Màu tím của sự đợi chờ trong nhung nhớ và màu tím của sự chia ly.
Nhìn Violet, nhớ câu chuyện tình cảm động của họ, biết bên trời còn mối tình thủy chung nào không.

Hoa lồng đèn

Fuchsia, hay là hoa lồng đèn.
Tựa như những lồng đèn cao cao, thắp sáng một mùa đông giá lạnh. Tựa như từng ngọn đèn đường phố, thắp sáng những con đường khuya.
Cũng nhiều màu sắc, nhưng vẫn thích nhìn những ngọn đèn lồng với màu hồng xinh xắn. Màu sắc dịu ngọt và tràn đầy sức sống. Nổi bật trong cái nắng xám của chiều đông lạnh. Fuchsia lặng lẽ ở những hàng rào gai nhà ai. Lặng lẽ như em, lặng lẽ gửi gắm ngàn nhớ thương. Để gió có lạnh, gió có mạnh, lồng đèn vẫn thắp sáng những đêm khuya về trên con dốc vắng. Thoảng mùi hoa dại, tưởng như lồng đèn cũng ngào ngạt hương thơm.

Bồ công anh

Lactuca Indica, hay bồ công anh. Một buổi sáng học trò, áo trắng em bay đi, chỉ còn anh ở lại. Những cánh mỏng mang theo những hạt mầm của ước mơ. Vẫn là buổi sáng học trò cũ, bồ công anh cũng biết khóc vì nhớ.
Khi xuân thắm, em mặc áo vàng, vàng rực cả cánh đồng hoang. Những chân rễ nhỏ bé mà đầy sức sống, bám chặt vào từng thớ đất. Người ta cũng cày xéo em, vì em chỉ là loài hoa dại.
Này em, trời may cho em áo trắng, em bay về trời. Để anh ở lại với đời đắng cay.

Mai anh đào

Xuân, xuân trong mắt em, xuân trên những cánh mai anh đào mỏng manh, khẳng khiu. Tháng 2, những cơn gió xuân, giục mai anh đào rụng trụi lá, chỉ còn lại những cành bơ vơ. Hoa lại trổ đầy cây. Những cánh hoa bé xíu mong manh nhưng hồng đến lạ. Cái sắc hồng phơn phớt, tựa như má hồng của thiếu nữ 16 tròn trăng. Nhớ không? Cái nụ cười ấy trên môi xinh, khoe hàm răng trắng đẹp cà đôi má hồng tự nhiên tuổi rằm. Đã có ai từng tìm lại những ngày qua, bất chợt, bắt gặp mình của ngày ấy. Có thảng thốt vì thời gian trôi qua rất vội. Có hối tiếc đi tìm sắc hồng trên má thắm ngày xưa. Ta nhìn ta, qua chiếc gương vẫn im lìm trên giá. Những vết nhăn dần, nơi khóe mắt - khóe miệng. Có lẽ không cười thì đỡ nhăn hơn chăng?! Màu thời gian đã làm phai sắc hồng theo năm tháng. Nhưng mai anh đào sang năm lại hồng thắm, hồng cả núi đồi, hồng cả những con đường thân quen ngày xưa. Nơi ta đã đi qua, vụng về đánh rơi chiếc hôn bên hồ.

Phượng tím

Phượng lại không đỏ mà tím. Chỉ nở vào tháng 2-3
Khi níu chân người đi bằng một màu lam tím, ta ngỡ người sẽ ở lại. Cũng cháy một trời tim tím để nhớ để quên để hờn để giận.
Những con đường quanh co uốn lượn, xen giữa những hàng thông xanh là sắc tím chói trời nhung nhớ. Nếu ai đã từng đọc tác phẩm " Đà Lạt mùa phượng tím" chắc hẳn sẽ không khỏi bâng khuâng, những chùm hoa tím rung rinh theo gió.
Lạnh! Những bàn chân theo nhau trên phố. Biết có ai đi tìm màu tím của một khoảng trời học sinh. Màu mực tím, cành hoa tím, vẫn ấp ủ mãi trong trang giấy học trò đã nhạt dần theo năm tháng. Nhớ những tà áo trắng, tung tăng tan trường về. Ai đó đã bám theo gót chân ai. Những e ấp buổi ban đầu ấy, tím cả một thời...

Mimosa

Mimosa - sắc vàng và từng chùm long lanh. Liên tưởng tới bài hát " Misosa từ đâu em tới". Và không đâu ở VN nhiều mimosa bằng Đà Lạt. Gần như là loại hoa trồng ở hàng rào quanh nhà, phố núi nếu vắng Mimosa mùa đông sẽ chẳng còn thi vị nữa. Tôi vẫn nhớ mãi, những kỉ niệm ngày nào cùng bông hoa li ti với sắc vàng và lá óng ánh trong ánh sáng buổi hoàng hôn ngày ấy. Những bước chân đi, những tiếng cười nói. Và gió lạnh thốc lên từ mặt hồ. Để rồi đêm buông không nao núng, phủ đầy không gian màu áo của thời gian. Đêm đến, để mimosa lấp lánh như ánh bạc trong khu vườn thần tiên. Và những lời nói thì thầm, tưởng như vẫn còn đâu đó trên ngọn mimosa. Rồi có khi nào ta cùng quay trở lại?! Mimosa rồi cũng tàn, mùa đông rồi cũng qua...

Mimosa, em đã về đâu
 Tác giả:Vũ Quyên
Mimosa
Em đã về đâu ?
Dốc xưa nay đã men màu
Gót khua nỗi nhớ dòn câu ân tình 
Theo dấu chân hờ cổ tích ngày xưa
Anh lang thang giữa khung vuông màu kỷ niệm
Mimosa ngọt ngào hương thanh khiết
Hoa còn đây mà em đã về đâu ? 
Đà Lạt vẫn mờ sương chiều ẩm đục
Mimosa vàng cánh gío hây hây
Hoa trinh nữ một thời em cài tóc
Thung lũng Tình Yêu lờ lững dấu chân mây 
Phố núi anh về vẫn buồn muôn thuở
Lòng bồng bềnh theo lọn sóng chao
Chiều nắng xế phủ vàng hồ Than Thở
Hoa  rơi đầy vương lối cũ lao xao 
Em đã đến với tình yêu mật ngọt
Nụ đầu đời lãng đãng khói sương
Giấy học trò vần thơ gò nét bút
Vành nón nghiêng che mắt liếc người thương 
Anh về đây qua muôn vạn dặm đường
Thầm gọi tên em trên đường hoa năm cũ
Em đã về đâu?
chiều cao nguyên chìm dần trong nỗi nhớ
Rừng Ái Ân trầm lắng khúc thông reo 
Mai anh đi cánh lạc lưng đèo
mimosa sẽ xa thêm tầm tay vói
Vầng trăng cũ khuyết dần mùa đông tới
Ly bôi này từ tạ cánh hoa xưa 

Hoàng hôn



Hoàng Hôn
Tác giả: Tế Hanh


Trái tim hấp hối của ngày tàn
Ứa lệ chan hòa ám thế gian
Ấy lúc trời cao buồn goá bụa
Cúi ôm trái đất đỡ băng hàn

Có phải vì tôi kiểu cách đâu!
Khách quan, ngoại cảnh gợi khêu sầu
Hư vô, ý chết luồn trong gió,
Hồn đứng bơ phờ trước vực sâu



Lẻ loi cho đến cả bên chân
Cái bóng trung trinh cũng chẳng quầng
Tay trái thờ ơ, tay phải lạnh
Hững hờ buông thõng hết tương thân.

Một con gà nhỏ lạc trong thôn
Mất mẹ bi thương gọi đứt hồn
Có phải lòng tôi đau quạnh quẽ
Kêu tìm lòng bạn giữa hoàng hôn?

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Regret City - Thành phố hối tiếc



I had not really planned on taking a trip this time of year, and yet I found myself packing rather hurriedly. This trip was going to be unpleasant and I knew in advance that no real good would come of it. This is my annual “Guilt Trip.”

I got tickets to fly there on “WISH-I-HAD” airlines. It was an extremely short flight. I got my “baggage,” which I could not check. I chose to carry it myself all the way. It was loaded down with a thousand memories of “what might have been.” No one greeted me as I entered the terminal to the Regret City International Airport. I say international because people from all over the world come to this dismal town.


As I checked into the “Last Resort” Hotel, I noticed that they would be hosting the year’s most important event — the annual “Pity Party.” I wasn’t going to miss that great social occasion. Many of the towns leading citizens would be there.

First, there would be the “Done” family; you know, “Should Have,” “Would Have” and “Could Have.” Then came the “I Had” family. You probably know old “Wish” and his clan. Of course, the “Opportunities” family; “Missed and Lost,” would be present. The biggest family there would be the “Yesterday’s.”

There are far too many of them to count, but each one would have a very sad story to share. Of course, “Shattered Dreams” would surely make and appearance. “It’s Their Fault” family would regale us with stories (excuses) about how things had failed in their life. Each story would be loudly applauded by the “Don’t Blame Me” and “I Couldn’t Help It” committee.

To make a long story short, I went to this depressing party, knowing full well there would be no real benefit in doing so. And, as usual, I became very depressed. But as I thought about all of the stories of failures brought back from the past, it occurred to me that this trip and subsequent “pity parties” COULD be cancelled by ME!

I started to realize that I did not have to be there. And I didn’t have to be depressed. One thing kept going through my mind, I CAN’T CHANGE YESTERDAY, BUT I DO HAVE THE POWER TO MAKE TODAY A WONDERFUL DAY. I can be happy, joyous, fulfilled, encouraged, as well as being encouraging.

Knowing this, I left Regret City immediately, and didn’t leave a forwarding address. Am I sorry for mistakes I’ve made in the past? YES! But there is no way to undo them.

So, if you’re planning a trip back to Regret City, please cancel all those reservations now. Instead, take a trip to a nice place called: “Starting Again.” I like it so much that I made it my permanent residence. My neighbors, the “Been Forgiven” and the “We’re Saved” are so very helpful. By the way, you don’t have to carry around the heavy baggage anymore either. That load is lifted from your shoulders upon arrival. But don’t take my word for it, find out for yourself.

Haley

Bản dịch

Tôi không thực sự hứng thú khi tham gia chuyến đi thường niên vào năm nay, nhưng như một thói quen cũ, tôi đã đóng gói xong đồ đạc của mình. Chuyến đi này chắc chắn sẽ giống như năm ngoái, không thoải mái và thú vị chút nào. Nó mang tên "Guilt Trip - Chuyến đi về vùng của sự sai lầm".

Tôi có một chuyến bay ngắn qua hãng hàng không WISH-I-HAD. Tôi đã có "hành lý" - những thứ mà tôi không thể kiểm tra. Tôi chọn cách tự mang đi trong suốt hành trình của mình. Nó đã được để vào ngăn "ký ức". Không một ai chào đón khi tôi bước ra cửa "sân bay của thành phố nối tiếc". Tôi giao tiếp với mọi người từ khắp trên thế giới bằng một ngôn ngữ riêng.

Sau đó, tôi bắt đầu làm thủ tục vào khách sạn mang tên Last Resort (Phương án cuối cùng). Họ sẽ tổ chức một sự kiện quan trọng nhất trong năm - một lễ hội thường niên mang tên Pity Party (Bữa tiệc của sự nuối tiếc). Nhiều người trong các thành phố hàng đầu thế giới sẽ có mặt ở đó. Tôi sẽ không bỏ lỡ dịp trọng đại này.

Đầu tiên, đó sẽ là gia đình Done (Đã làm), tiếp theo là Should Have (Nên làm), Would Have (Sẽ làm) và Could Have (Có thể làm). Sau đó đến gia đình I Had (Tôi có). Bạn cũng nên biết thêm gia đình Wish (Mơ ước) và gia tộc của ông. Tất nhiên có thêm cả gia đình Opportunities (Cơ hội), Missed and Lost (Những thứ bị bỏ lỡ hoặc bị mất). Gia đình lớn nhất sẽ là "Yesterday" (Ngày hôm qua).

Có quá nhiều người trong số tất cả khách mời, nhưng mỗi người sẽ có một câu chuyện buồn để chia sẻ. Tất nhiên, Shattered Dreams (hay còn gọi là Ước mơ tan biến) chắc chắn cũng sẽ có mặt để kể chuyện của họ. Gia đình It's Their Fault (Đó là lỗi của chúng tôi) đang thích thú chia sẻ về việc làm cách nào mà tất cả mọi thứ trong cuộc sống của họ đều thất bại. Mỗi câu chuyện sẽ được chấm điểm bởi hội đồng lớn mang tên Don’t Blame Me (Đừng đổ lỗi cho tôi) and I Couldn’t Help It (Tôi không thể nhịn được).

Các câu chuyện ngày một dài và tôi dần đi đến thất vọng. Bữa tiệc khiến tôi bắt đầu nghĩ tới những sai lầm trong quá khứ của mình. Nó không giúp tôi tìm thấy niềm vui nào khi tham gia một sự kiện này.

Tôi bắt đầu nhận ra rằng tôi không nên ở đó, nó khiến tôi bị trầm cảm. Bất chợt một ý nghĩ đã vụt qua tâm trí tôi, "Tôi không thể thay đổi ngày hôm qua, nhưng tôi có khả năng làm cho ngày hôm nay trở nên tuyệt vời". Tôi có thể có hạnh phúc, vui vẻ, cũng như sẽ được khuyến khích.

Biết được điều này, tôi rời "Regret City" ngay lập tức, và không để lại địa chỉ cá nhân nào. Tôi có phải xin lỗi cho những sai lầm đã xảy ra trong quá khứ? Chắc chắn là có! Nhưng không có cách nào để làm lại được.

Vì vậy, nếu bạn đang lập kế hoạch có một chuyến đi thăm quan tại "Regret City", xin vui lòng hủy bỏ tất cả những vé đã đặt trước ngay bây giờ. Thay vào đó, bạn nên đặt chân tới một vùng đất xinh đẹp hơn mang tên Starting Again (Đang bắt đầu lại). Đó sẽ là địa điểm du lịch vào các năm tới của tôi.

Hàng xóm của tôi Been Forgiven (Sự tha thứ) và We're Saved (Chúng ta được cứu rỗi) là những người rất thân thiện và nhiệt tình. Nhân tiện, bạn không cần phải mang theo hành lý nặng nề nữa. Bởi nó sẽ thoát khỏi tâm trí của bạn trước khi bạn tới nơi.

Nhưng luôn nhớ bạn không thể tới thành phố của tôi, hãy tự tìm thành phố cho riêng bạn.

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Câu chuyện vùng cao





Bên một chiếc bàn gỗ mốc thếch, tôi ngồi uống rượu với một người bạn. Anh này thạo nhiều thứ tiếng dân tộc vì đã một thời chuyên đi thu mua nấm rừng, thảo quả trong các bản làng xuất sang Trung Quốc. Bàn bên cạnh có hai người đàn ông mặc quần áo chàm vừa nốc từng bát rượu đầy vừa chằm chằm nhìn vào mặt nhau. Ngồi né ra xa một chút là một người phụ nữ váy áo thêu xanh đỏ, khắp người đeo không biết bao nhiêu vòng bạc lủng lẳng.

Suốt đến gần nửa tiếng đồng hồ chỉ thấy có một anh chàng nói, khi thì giận dữ khi thì nghẹn ngào, có lúc lại đắm chìm trong ưu tư như bị men rượu nhấn chìm. Can rượu to trên bàn đã vơi quá nửa, bỗng hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau, nức lên rưng rức. Cái bàn ọp ẹp chao ngiêng làm hai bát rượu đổ tóe ra sàn. Lẳng lặng nhìn hai gã đàn ông quá say, người đàn bà cúi xuống nhặt những chiếc bát đặt lên bàn rồi lẳng lặng mở nút cái can nhựa cao đến hai gang tay, nghiêng can rót rượu đầy tràn hai miệng bát. Xong xuôi lại trở về chỗ, lẳng lặng nhìn bâng quơ ra rặng núi giăng ngang trước mặt.

Thấy cảnh lạ lùng, tôi thì thầm hỏi anh bạn xem chuyện gì đang xảy ra. Thì ra hai gã đàn ông này chính là “tình địch” của nhau, theo cái cách định nghĩa ngu ngốc của người dưới xuôi chúng ta. Một anh là chồng, còn một anh là người yêu cũ của người đàn bà đang ngồi đây. Nhìn kỹ ra thì cô vẫn còn khá trẻ nhưng vẻ tiều tụy và cam chịu làm cho ta nghĩ rằng đấy đã là một thiếu phụ nhan sắc đang tàn.

Chiều tối ngày hôm qua họ đã xuống đến chợ. Như nhiều đôi khác, hai vợ chồng này buộc ngựa vào một góc bên quán, ăn một bữa no nê rồi chia tay nhau. Sáng hôm nay họ lại tìm về quán cũ theo lệ thường để rồi sẽ lại ăn một bữa trước khi túc tắc dắt ngựa đi về. Thế nhưng lần này, cô vợ không về quán một mình mà dẫn theo anh người yêu cũ. Thế là ba người ngồi cùng nhau. Hai người đàn ông và một người đàn bà.

Anh bạn tôi ngồi xây mặt ra cửa nhưng căng tai về phía bàn bên để nghe và cố hạ giọng dịch cho tôi nghe từng câu nhát gừng đứt quãng của người đàn ông đang vừa nói vừa uống một cách đầy bức xúc. Anh bạn tôi còn phải tóm tắt cả câu chuyện đã xảy ra trước khi tôi hỏi, thế nhưng vẫn theo kịp được khúc sau vì anh kia cứ nói một câu lại uống một hớp, rồi lại gật gật cái đầu như đang cố vắt ra các ý nghĩ lộn xộn nằm đâu đó bên trong óc mình.

Tôi vừa nín thở để nghe và cố sắp xếp các lời dịch của anh bạn. Cuối cùng thì tôi hiểu được đại khái câu chuyện giữa hai người đàn ông, một người chỉ nói, vừa nói vừa nghẹn ngào, một người cúi gằm mặt xuống vừa nghe vừa cắn chặt hàm răng. Bỏ qua những câu vòng vo mà tôi không nhớ mà cũng không hiểu hết ý thì tóm tắt lại là như sau:



- Thằng Xín Thau kia, mày uống hết cái bát ấy đi rồi nghe tao nói. Suốt đêm qua tao đau tức cái tim, đau quặn cái ruột. Tao đi theo vợ mày về đây tìm mày.
............


- Cái ngày bố mày theo ông thầy cúng đưa mày đến đón vợ mày về, tao buồn muốn chết. Tao đã bắn hết cả một túi thuốc, nhồi hết đạn chì thì nhồi sỏi sạn vào mà bắn. Đáy nòng vỡ ra, sẹo trên má tao vẫn còn đây này.
............

- Sau khi cưới, vợ mày nó bảo rằng tao đừng buồn, mày thương vợ lắm. Tao tin nó quá, thế là tao vui.
..............

- Phiên chợ trước tao được tin nhắn là phiên này vợ chồng nhà mày sẽ đi. Tao đắp vội mấy khúc bờ ruộng cho xong, tao bỏ cái đám cưới trong bản để ra đây gặp vợ mày.
.............

- Mày phải biết. Khi đi ra chợ tao vui quá, bỏ không bắn hai con chim to trên cành, bỏ không bắn một con nhím to trong bụi. Tao chỉ nghĩ đến cái lúc được gặp vợ mày. Thật đấy. Tao vẫn còn thương con vợ mày lắm mà.
.............

- Đến lúc tao tìm được con vợ mày, tao vui đến chảy cả nước mắt. Tao lại hát lại cái bài mà ngày xưa lần đầu tao hát vào bên tai con vợ mày, cái đêm đầu tiên tao gặp được nó.
..............

- Thế mà, dắt nhau đi rồi, đèn tao chiếu vào tận mặt mà tao không còn nhận ra nó là cô con gái đẹp nhất bản. Giàng ơi. Ngày xưa cái mặt ấy tròn như trăng rằm, hai cái vú nó tròn to như hai quả dưa chín, cái tay nó đẹp như mình con trăn trên cây, tiếng nó cười hay như chim hót làm nắng cũng cười theo, cái váy nó thơm như hoa rừng làm bướm cũng bay theo.
..............

- Giàng ơi. Đêm qua tao chỉ thấy mặt nó cong méo như trăng hạ tuần, ngực nó nhăn như hai quả bí héo. Nó không cười, nó chỉ muốn khóc. Tao đau cái tim tao quá. Giàng ơi.
................

- Mày nói đi. Là thằng đàn ông, mắt mày có nhìn thấy vợ mày nó khổ hay không? Là thằng đàn ông, mày có thấy vợ mày nó buồn hay không?
...............

- Mày là thằng tốt số nhất đời. Mày sinh vào lúc nào mà mày lấy được vợ mày. Mày thật là có cái tội to. Hôm nay tao định đánh mày, tao thương con vợ mày quá.
................

- Lần này tao mang hai bao ngô giống. Tao không bán nữa. Mày mang về đi mà trồng. Phiên chợ sau tao gửi phân bón vào cho.
.................

- Đến kỳ ngô ra bắp tao bảo mày cách đặt bẫy. Tao có bài thuốc, bẫy sập là lợn rừng ngấm thuốc không chạy được đâu. Tao sẽ cho mày. Nếu nhím sập bẫy, mày bắt nguyên cả con mang ra chợ. Có người mua ngay. Ba cái dạ dày nhím sống là đổi được một con lợn giống to.
................

- Mày không được lười. Mày đói thì tao kệ mày nhưng vợ mày thiếu thóc thiếu ngô là tao đánh mày đấy.
..............

- Thằng Xín Thau kia, mày có phải là thằng đàn ông hay không?


Nhìn hai gã đàn ông gục đầu vào nhau rưng rức khóc trên hai bát rượu đã cạn khô, tôi thấy thật là khó tả. Nhìn sang người đàn bà lẳng lặng ngồi bên, tôi không đọc được những ý nghĩ gì đang ẩn hiện trong đầu cô ta. Phải chăng là vừa hạnh phúc vừa tủi thân, phải chăng là vừa ái ngại vừa thương xót cho cả hai gã đàn ông của cô.


Rất lâu về sau, một lần tôi đem câu chuyện này kể cho vợ tôi nghe. Vợ tôi thở dài, cầm cái điều khiển tắt phụt màn hình vô tuyến đang lải nhải vô duyên và bâng quơ nói:

“Đàn ông như thế mới là đàn ông”.

(sưu tầm)