Dự là chỉ up hình cho vui và cổ động cho hanami ( hội ngắm hoa anh đào ở Nhật sắp tới ngày 8/4), zậy mà tay lại ngứa.
Làm
lại thôi bồn chồn nhớ, cái ngày đầu tiên đặt chân lên đất nhật, cái con
nhỏ ngố tuổi 17, đã hét tung cả khoang máy bay khi thấy núi Phú Sĩ từ
trên không. Ừ, con nhỏ tôi đấy, khùng thật!
Vậy rồi kí ức xếp vùi đâu đã lâu! Vẫn nhớ hoài bóng cây đào ở Iwate, Morioka mọc lên từ mỏm đá.
Người ta bảo cứ đi hanami, ngồi dưới gốc anh đào mà ăn no say, ngồi chè
chén. Nếu gió qua, cánh hoa anh đào mà bay vào chum rượu sake bạn đang
cầm trên tay, chắc chắn sẽ là 1 năm may mắn. Tôi cũng thèm có cánh hoa
anh đào trong ly rượu của tôi lắm.
Ở cái xứ sở mà buổi sáng thức giấc là nghe tiếng quạ kêu, quạ đậu đầy
các dây điện. Đi đường thấy mấy con quạ chốc mỏ vào vòi nước mà uống là
chuyện bình thường. Quạ ở Nhật nó gần gũi với người bản xứ như bạn.
" Trên cành khô quạ đậu
Chiều thu -- Basho"
Người Nhật chịu ảnh hưởng của bi cảm aware của văn hóa truyền thống với cảm giác vô thường của Phật Giáo nên rất coi trọng vẻ đẹp mong manh phù du. Cảm giác vô thường (mujo) có nghĩa không có điều gì bền vững, tất cả rồi sẽ phải đổi thay. Còn aware có thể dịch tạm là “u hoài”. Hình ảnh
hoa anh đào cũng vậy. Chờ đợi sau một mùa đông băng giá, những cánh hoa
mỏng mảnh xòe tung cánh, rồi sau đó là xao xác rụng.
Cứ mỗi lần sự
kiện hanami hằng năm, tôi lại nhớ quá cái con phố nhỏ Morioka, nhớ ngọn
đồi nhìn phía xa ra biển, nhớ cả ngôi nhà tôi đã ở homestay. Chẳng biết
gia đình của tôi ở đó, nơi có người đã gọi tôi là em, nơi có người đã
gọi tôi là con...sau trận Tsunami 2011 chẳng biết có còn sống không. Tôi
đã mất liên lạc với họ. Tôi vẫn mong trở về ngôi nhà đó một lần nữa.
Chẳng phải là cuộc sống mong manh sao?!
Sakamoto Yuko và gia đình mà tôi đã gọi là ba là mẹ là anh. Họ còn hay
không trên cõi đời?! Có thể Tsunami đã càn quét sạch dấu chân ngày hôm
qua của tôi rồi!
Đây, con phố thân yêu nhiều kỉ niệm ấy đây. Nơi đã có cuộc chia tay
nhiều nước mắt và đôi bàn tay chạm qua khung kính tàu điện, lúc hoa đào
rơi. Bạn có biết vì sao người ta vẫn hay gọi Nhật Bản là đất nước Phù
Tang?
Trong thế gian, chẳng có gì là mãi mãi. Kể cả tình yêu. Rồi nó cũng sẽ
lụi tàn theo năm tháng. Tất cả đều vô thường và phù du. Bởi nên người
Nhật yêu hoa đào vì rụng rơi đúng lúc đẹp nhất của hoa như một biểu
tượng mỹ thuật về cái chết. Có thể nói rằng người Nhật không có triết lý
về sống nhưng có triết lí về cái chết. Chết trong lúc đẹp nhất!
"Hoa đào ban đêm
Như từ trời xuống
Những người con gái tiên.
Issa"
Cũng tin vào vô thường vì đã có quá nhiều cuộc chia ly đi qua đời mình.
Một bạn già hay đậu mình trên tháp Paris, tôi nói là đậu mình vì công
việc của ổng là quản lí tổ quét dọn tháp Effiel. Cho nên ngày nào cũng
phải " đậu" trên ấy để ngắm nhìn thành phố. Bạn già cũng hay làm thơ.
Bạn già bảo rằng:
" Em hãy cứ là mimosa mỏng mảnh nở trong mùa đông
như những ngọn đèn vàng thắp sáng phố đồi khi rét mướt. Em hãy cứ là
người thắp lửa như em đã từng. Và phải sống làm sao cho ai cũng muốn
mang em đi"
==> Vâng, em sẽ sống tốt để cho AI CŨNG MUỐN MANG ĐI.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét